Tu là phải hiền

LTS: Thưa quý đọc giả ,

Sau khi đọc  quyển ” Tu Là Chuyển Nghiệp ” của HT Thích Thanh Từ ,chúng tôi nhận thấy nội dung quyển sách rất có giá trị thực tiển trong tình hình tu học của Phật tử  hiện nay.Chúng tôi xin trích bài đầu của quyển sách nhằm giới thiệu đến bạn đọc,xem như là những chia sẽ bức thông điệp của một vị tọn túc có nhiều kinh nghiệm trong việc hướng dẫn cho Tăng Ni và Phật tử VN,không phải chỉ có tu Thiền mà còn là một vị có tâm huyết về PGVN trong thời cận đại.

…. Ở đây tôi không giảng những đề tài cao siêu, mà đặt những câu hỏi rất thực tế, rất thấp, quý vị hãy trả lời đúng như chỗ mình biết, để rồi tôi hướng dẫn cho quý vị tu hành.
– Quý vị đi chùa học đạo, có phải tu theo đạo Phật không?
– Thưa Phải.
– Vậy người tu là hiền hay dữ?
– Dạ hiền.
– Người đi chùa, lậy Phật, ăn chay, tụng kinh, nếu có người xúc phạm đến thì nóng nảy la lối. như vậy có hiền không?
– Dạ chưa hiền.
– À, chưa hiền tức là chưa tu. Vậy đi chùa tụng kinh mà chưa hiền chưa gọi là người tu. Người tự nhận mình tu theo đạo Phật mà chưa hiền thì sao?. Phải tu thế nào mới gọi là tu theo đạo Phật. Và làm thế nào để được hiền, quý vị biết không?
– Dạ chưa biết.
– Đây tôi hướng dẫn cho quý vị để thành người hiền rất thực tế và dễ dàng. Theo tinh thần đạo Phật, tu là tu ở ba nghiệp: Thân nghiệp, khẩu nghiệp, và ý nghiệp.
Khi chưa biết tu, Thân có khi làm lành có lúc làm dữ, miệng có khi nói lời thiện có lúc nói lời ác, ý có khi nghĩ tốt có lúc nghĩ xấu.
Khi biết tu thì việc lành nên làm, việc dữ nên tránh. Lời thiện thì nói, lời ác thì chừa. Điều tốt thì nghĩ, điều xấu thì dừng. Người biết tu thân không làm ác, miệng không nói ác, ý không nghĩ ác, đó là người hiền.
Tu chủ yếu không phải ăn chay nhiều, vậy mà Phật tử cứ đua nhau ăn chay, cho ăn chay nhiều là tu, chứ không biết tu là chừa ba nghiệp ác. Nhân gian có câu ca dao để nhạo báng người ăn chay mà không hiền.
SÂN SI NGHIỆP CHƯỚNG KHÔNG CHỪA BO BO MÀ GIỮ TƯƠNG DƯA LÀM GÌ?
Tham sân si là nghiệp chướng của thân miệng và ý thì không chịu chừa bỏ, mà cứ đua nhau ăn chay, rồi cho đó là tu, tu như vậy không đúng với chủ trương của đạo Phật. Tu là thân không làm ác, miệng không nói ác, ý không nghĩ ác.
Trong gia đình, nếu mọi người không biết tu thì cứ cãi và chửi bới gây phiền não cho nhau. Thậm chí gây cãi không nguôi còn giận thì đánh đập, đánh đập không thỏa mãn cơn giận thì tình nghĩa không còn, mà tình nghĩa đã hết thì ly dị chia tay, gia đình đổ nát.
Nếu mọi người biết tu thì ý vừa khởi nghĩ ác, liền biết xấu chế ngự không dám nói lời nặng, không nói nặng thì đâu có cãi, không cãi thì làm gì có đánh đập, không đánh đập thì đâu có ly dị, gia đình thường an vui hạnh phúc.
Như vậy, nếu người biết tu thì ý không bao giờ nghĩ xấu cho ai, tâm không bực bội phiền não, lúc nào cũng vui vẻ an ổn. Nếu ý không nghĩ xấu thì miệng thân đâu có nói, làm hung ác khiến cho người đau khổ. Mà không làm khổ người thì được người thương mến, người thương mến thì không hại, nếu có chuyện bất trắc thì được người giúp đỡ.
Khi đã biết tu thì thân miệng ý lúc nào cũng thiện, ba nghiệp mà thiện thì tự thân được an vui, trong gia đình trên thuận dưới hòa, ngoài xã hội không gây xáo trộn sẽ được trật tự an bình. Như vậy người biết tu, chẳng những chính bản thân mình được lợi ích, mà gia đình và xã hội cũng được lợi ích. Đó là người tu đúng theo lời Phật dạy.
Nếu chỉ biết ăn chay, tay lần tràng hạt, mỗi khi có ai xúc phạm đến thì la lối chửi rủa không thua ai; Người như thế không hiền, chưa phải là người tu. Do vậy, nên bị kiêu ngạo: “Ngoài miệng thì nam mô, trong bụng thì chứa một bồ dao găm”.
Ngoài miệng thì niệm Phật lâm râm, nhưng trong tâm thì quá hung dữ. Thế nên, cho ăn chay nhiều, niệm Phật nhiều là tu mà không chịu chuyển thân, miệng, ý cho thiện thì làm trò cười cho thiên hạ. Vì vậy, khi nói lời tu, người Phật tử phải nhớ thân miệng ý phải thiện.
Phật dạy, tu một giờ, là được an vui hạnh phúc một giờ, tu một ngày là được an vui hạnh phúc một ngày, tu một năm là được an vui hạnh phúc một năm. Nhưng gần đây có một số Phật tử nghĩ rằng ăn chay, đi chùa, làm công quả có phước nên ham đua nhau làm.
Ví dụ, trong gia đình trung bình ăn chay một tháng bốn ngày, vì nghe nói ăn chay có phước nhiều được khen, nên người vợ tăng thêm sáu ngày, rồi mười ngày… chồng con ăn theo không nổi nên có chuyện xào xáo trong gia đình. Rồi than trách rằng mình muốn tu muốn tiến, mà bị quỉ nó phá nó ngăn không cho tu tiến, Người nghĩ nói như vậy có tu không? Tu mà ý khởi nghĩ ác, miệng chửi chồng con là quỉ. Như vậy, chưa phải là người Phật tử chân chính.
Người Phật tử chân chính không đặt nặng việc đi chùa thường, tụng kinh giỏi, ăn chay nhiều, mà phải biết tu ba nghiệp thân khẩu ý cho thiện. Tức là chuyển ba nghiệp ác thành ba nghiệp thiện, đi chùa niệm Phật ăn chay là phải nhớ từng hành động, từng lời nói, từng ý nghĩ luôn luôn phải thiện. Như vậy, có lúc nào là không tu. Chẳng hạn thân cuốc cỏ, xưa thấy rắn thì lấy cuốc đập chết, nay thấy rắn tránh không đập, đó là chuyển nghiệp thân ác thành thiện. Xưa khi tiếp xúc với bạn bè họ nói lời hung dữ làm mình tức giận bèn nói nặng lời cho bõ ghét, nhưng nay nhớ mình là người tu không được lớn tiếng gây cãi nên im lặng mà nhẫn nhịn. Đó là chuyển nghiệp khẩu ác thành thiện.
Lúc ngồi một mình vừa khởi nghĩ xấu về người liền hổ thẹn dừng không nghĩ nữa. Đó là chuyển nghiệp ý ác thành thiện. Tu như vậy, đâu có đợi vô chùa tụng kinh lạy Phật mới tu, mà giờ nào ở đâu tu cũng được, thế mới đúng ý nghĩa tu của đạo Phật. Nếu hiểu và tu như vậy, thì lo gì mai kia không được về cõi Phật. Trong kinh có câu:
“Tam nghiệp hằng thanh tịnh Đồng Phật vãng Tây phương”
Ba nghiệp mà hằng trong sạch thì đồng với Phật về cõi Phật. Nếu không bỏ ba nghiệp ác mà cố niệm Phật nhiều câu Phật A-Di-Dà rước về Cực Lạc, cũng không được rước về, vì ba nghiệp còn ác thì về đó cứ gây cãi đánh đập hoài biến cõi Cực Lạc thành cõi Ta Bà khổ hay sao ?
Vậy, tu cốt là chuyển ba nghiệp ác thành ba nghiệp thiện là bước đầu, tụng kinh niệm Phật là bước kế tiếp. Bước đầu là nền tảng mà không thực hiện trước, lại đi bước thứ hai, giống như cất nhà lầu mà không xây nền móng, quyết định cái nhà sẽ đổ không thành.

HT Thích Thanh Từ ( Trích là Tu Là Chuyển Nghiệp)

Comments are closed.