Phật giáo thực ra là một nghệ thuật sống

(24.hu) Trong những ngày qua có phái đoàn lãnh đạo cấp cao của Giáo hội Phật giáo Việt Nam qua thăm Hungary. Đoàn đã đến thăm nhiều nơi trong đó có Giáo hội Phật giáo Tan Kapuja, thăm cộng đồng Phật tử Việt Nam tại Hungary và thăm phật đài Hòa Bình ở Zalaszántó. Chúng tôi gặp phái đoàn tại trường Cao đẳng phật giáo Tan Kapuja, và tuy chương trình của đoàn rất dày nhưng chúng tôi đã có dịp phỏng vấn HT Thích Huệ Thông, Phó Tổng Thư ký kiêm Chánh văn phòng 2 TƯGH VN  

Ảnh: Marjai János/24.hu

Nói đến Việt Nam là nói đến Phật giáo?

Phật giáo có lịch sử hơn 2000 năm ở Việt Nam. Trong thời gian đó đã hình thành một giáo phái riêng của Phật giáo Việt Nam. Phật giáo Việt Nam chịu ảnh hưởng chính từ Ấn Độ và Trung Quốc, nhưng chúng tôi đón nhận nhiều trường phái khác nữa. Hiện nay có khoảng 60% dân số nhận là mình theo đạo Phật.

Phật giáo Việt Nam

Phật giáo Việt Nam hướng theo các lời dạy của Đức Phật, dựa trên các giáo lý cơ bản của Phật giáo. Dòng thiền riêng của Việt Nam được ra đời vào cuối thế kỷ 13, do một nhà vua đời Trần sáng lập. Dòng thiền riêng này cũng thể hiện nguyện vọng của nhà vua thời đó muốn có sự khác biệt với Trung Quốc. Ở tất cả mọi nơi Phật giáo đều có hai mặt có quan hệ mật thiết với nhau: sinh hoạt tăng ni của những người xuất gia và sinh hoạt của cộng đồng phật tử tại gia. Phật giáo Việt Nam nhấn mạnh đến yếu tố con người, giúp cho các phật tử tìm lại được an lạc, hạnh phúc từ trong bản thân mình. Một điều quan trọng khác của Phật giáo Việt Nam là

để đạt được tất cả các điều này không cần phải xuất gia nhập thất mà có thể thực hành trong cuộc sống hàng ngày. Dòng thiền Việt Nam này có tên là phái Thiền Trúc Lâm.

Ngài vừa là một người xuất gia, vừa là người lãnh đạo của Giáo hội. Ngài thực hiện hai việc đó trong cuộc sống hàng ngày thế nào?

Đúng vậy. Giáo hội Phật giáo Việt Nam có hai văn phòng cho miền Bắc và miền Nam. Tôi lãnh đạo văn phòng miền Nam. Ngoài ra tôi còn có một công việc nữa là giảng pháp. Trong tuần lúc ban ngày tôi bận bịu với các việc Phật sự của giáo hội, tăng đoàn, của cộng đồng, ví dụ như tu bổ xây chùa, thăm gia các buổi đàm phán gặp gỡ. Buổi tối tôi dành thời gian cho mình, tu tập, thiền để khỏe mạnh và nuôi dưỡng công năng của mình. Cuối tuần tôi đi giảng pháp.

Ảnh: Marjai János/24.hu

Ở Việt Nam người xuất gia có thể có gia đình không?

Không.

Phụ nữ có thể xuất gia không?

Phụ nữ cũng có thể xuất gia. Thậm chí có thể trở thành sư trụ trì lãnh đạo chùa và cộng đồng phật tử. Một điều khác biệt là

nam giới xuất gia cần giữ 250 giới còn phụ nữ xuất gia cần giữ 348 giới.

Ngoài ra nam giới có thể chọn giữ 10 giới cũng được khi xuất gia.

Có liên quan gì đến thời kỳ chiến tranh không khi Giáo hội chia ra làm hai văn phòng miền Bắc và miền Nam?

Điều này chỉ thuần túy là vấn đề hành chính. Việt Nam dài hơn 2000 km, hai miền rất xa nhau. Tất nhiên là có sự khác biệt nhưng nước nào cũng có những sự khác biệt ở các vùng miền xa nhau trong các tập tục, lề thói. Ở đây cũng vậy, có sự khác biệt trong cách cử hành các nghi thức Phật giáo giữa hai miền.

Phật giáo Việt Nam phát triển thế nào trong và sau chiến tranh?

Trong thời gian chiến tranh tất nhiên người dân ít có điều kiện thực hành tín ngưỡng của mình. Lúc đó có nhiều việc khác quan trọng hơn. Trước năm 1975 có nhiều giáo phái nhưng sau đó đến còn chín giáo phái vào năm 1981 khi mà cả chín giáo phái hợp nhất thành Giáo hội Phật giáo Việt Nam bây giờ. Giáo hội này hoạt động trong khuôn khổ nhà nước như hiện nay.

Ảnh: Marjai János/24.hu

Ở Hungary thì tôn giáo không được ủng hộ trong thời kỳ Xã hội chủ nghĩa. Ở Việt Nam thì nhà nước làm thinh hay cấm hay ủng hộ tôn giáo?

Nhà nước Việt Nam tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của người dân, không cản trở việc thực hành tôn giáo tín ngưỡng của họ.

Chính quyền chỉ có hai yêu cầu: các tôn giáo cần hoạt động trong khuôn khổ pháp luật nhà nước, các giáo phái yên ổn bên nhau; và thứ hai là không chia rẽ, mà đoàn kết dân tộc Việt Nam. Ngày nay đạo Phật đang lớn mạnh lên ở Việt Nam. Đó là do các giáo phái đã được thống nhất lại thành một tổ chức chung. Hiện nay có hơn hai mươi nghìn ngôi chùa ở Việt Nam, nhiều ngôi chùa khác đang được xây dựng thêm.

Phật giáo Việt nam hiện có hơn năm mươi ngàn tăng ni. Gần hai phần ba dân số Việt Nam nhận mình theo đạo Phật.

Chúng tôi có 4 trường đại học, mười trường Cao đẳng và nhiều trường trung học Phật giáo.

Phật giáo có phải là tôn giáo nhà nước của Việt Nam không?

Ở Viêt Nam không có tôn giáo nào là tôn giáo nhà nước, tất cả các tôn giáo đều bình đẳng như nhau.

Phật giáo có lợi thế là có gốc rễ lâu đời bền vững, có nhiều người theo hơn cả.

Ảnh: Marjai János/24.hu

Một nguy cơ với cả châu Á, và nhất là các nước Đông Nam Á đang phát triển mạnh, là hiện tượng toàn cầu hóa, Tây hóa có ảnh hưởng và de dọa nền văn hóa truyền thống lâu đời. Điều này có ảnh hưởng thế nào với các ngài?

Điều này đúng là một khó khăn lớn với tất cả các nước đang phát triển.

Lối sống vật chất phương Tây không chỉ là một thách thức lớn với Thái Lan mà với cả chúng tôi.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng đang tìm câu trả lời cho vấn đề đó. Chúng tôi cho rằng thúc đẩy văn hóa Phật giáo trong từng gia đình là cách tốt nhất để giải quyết vấn đề đó. Chúng tôi đẩy mạnh việc dạy lối sống Phật giáo cho thế hệ trẻ. Chúng tôi tổ chức các hoạt động cho tầng lớp thanh thiếu niên để các em tiếp cận, hiểu và học tập cách thực hành đạo Phật trong cuộc sống. Như vậy chúng tôi gìn giữ được nền văn hóa truyền thống từ gia đình và các cộng đồng nhỏ xung quanh thế hệ trẻ. Ngoài ra chúng tôi còn tổ chức giảng pháp trong hàng ngàn ngôi chùa mỗi tuần.

Ở phương Tây nhiều người cho rằng Phật giáo không phải là một tôn giáo, mà thực ra là một nghệ thuật sống. Ngài nghĩ sao về điều này?

Đúng vậy. Phật giáo thực ra là một nghệ thuật sống. Là cách tìm lại và giữ gìn hạnh phúc an lạc của mình giữa đời thường. Có thể nói rằng đó không phải là một tôn giáo mà là một thế giới quan, là một cách nhìn nhận cuộc sống.

Ảnh: Marjai János/24.hu

Điều này những người phương Tây có thực hành được không?

Người phương Tây có nền văn hóa khác. Họ suy nghĩ rất thực tế. Phật giáo có thể giúp họ trong cuộc sống vật chất bận bịu để chẫm lại, lắng lại, tìm lại được chính mình, tìm lại được sự bình an bên trong.

Người phương Tây có thể dễ dàng thực hành được vì Phật giáo có những chỉ dẫn rất thực tế dễ dàng áp dụng cho cuộc sống hàng ngày.

Trong Phật giáo không có thần thánh. Mỗi người tự thực hành để đạt được hạnh phúc an lạc cho chính mình, để thoát ra khỏi đau khổ, tìm lại sự cân bằng cho bản thân. Chúng ta không phụ thuộc vào một Đấng siêu nhân nào. Tự thân chúng ta quyết định và hành động, và chúng ta chịu trách nhiệm cho những hành động của mình. Nghiệp của mỗi người chính là kết quả của nhân quả của hành động họ làm. Bởi vậy

vận mệnh nằm trong tay ta, chúng ta gặt hái thành quả và chịu trách nhiệm về những việc mình làm. Điều này đúng cho cả người phương Đông và người phương Tây.

Phật giáo không phải là tôn giáo với một Đấng Toàn năng. Vậy có thần thánh nào trong Phật giáo không?

Thần thánh có trong tín ngưỡng của Ấn Độ thời xưa. Trong Phật giáo thì không có thần thánh. Bản thân Đức Phật nói: “Ta là Phật đã thành, các ngươi là Phật sẽ thành. Tất cả mọi người cần tự mình thắp đuốc lên mà đi, ta chỉ là một ví dụ soi đường mà thôi.”

Ảnh: Marjai János/24.hu

Tại sao việc sang châu Âu lại quan trọng với các ngài?

Thứ nhất chúng tôi coi trọng việc mở cửa giao lưu với các cộng đồng Phật giáo quốc tế. Chúng tôi muốn tìm hiểu xem họ sống, sinh hoạt thực hành đạo Phật ra sao. Thứ hai nữa ở Hungary và châu Âu có một cộng đồng người Việt khá lớn sinh hoạt và thực hành đạo Phật. Chúng tôi muốn thắt chặt mối quan hệ với họ và giúp đỡ họ trong việc thực hành Phật pháp. Và như vậy chúng tôi sang đây, có điều kiện gặp mặt và chúc phúc cho cộng đồng, cầu chúc cho tất cả mọi người ngoài việc thực hành đạo Phật, với sự giúp đỡ của đạo Phật có thể hòa nhập và thành công trong cuộc sống ở đây.

(dịch từ bài phỏng vấn trên báo 24.hu. Phóng viên: Rába Géza, ảnh Marjai János, phiên dịch Phan Anh Sơn)

Comments are closed.