No comments yet

Vai trò của Phật giáo Nam tông với người Khmer ở Nam bộ

(PGVN) Phật giáo Nam tông là tôn giáo có ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực người Khmer ở Nam bộ. Phật giáo Nam tông Khmer tồn tại lâu bền với người Khmer Nam bộ đã chứng tỏ sự hòa hợp chặt chẽ giữa đạo đức của Phật giáo Nam tông Khmer với lối sống của cộng đồng người Khmer một cách sâu sắc.

1. Đặt vấn đề

“Thuật ngữ Nam tông và Bắc tông, để chỉ hướng truyền đạo. Phật giáo Nam tông là cách gọi thông thường của người Nam bộ, còn trên thông lệ quốc tế gọi là Phật giáo Theravada. Cho nên, Phật giáo Nam tông và Phật giáo Theravada là đồng nhất. Theravada có nghĩa là “tôn trọng và đi theo lời người xưa” hay “lời dạy của bậc trưởng thượng”, do đó nhiều sách còn gọi là Trưởng Lão bộ. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ tập trung nghiên cứu vai trò của Phật giáo Nam tông và những giá trị cốt lõi đối với người Khmer ở Nam bộ.

2. Nội dung

2.1. Vai trò của Phật giáo Nam tông đối với người Khmer ở Nam bộ

Với tư cách là một chính giáo của người Khmer, Phật giáo Nam tông có vai trò và vị trí quan trọng trong đời sống của cư dân Khmer. Phật giáo Nam tông có tầm ảnh hưởng và chi phối lớn đến mọi lĩnh vực đời sống cư dân từ đời sống vật chất đến đời sống tinh thần của người Khmer ở Nam bộ. Đó là một tôn giáo mang tính quần chúng, nó không đơn thuần là thần luận, mà chủ yếu là thứ đạo đức luận, hướng đến việc “tốt đạo – đẹp đời”, có vai trò trong việc đào tạo con em người Khmer thành những người có trí thức và đức hạnh.

Phật giáo Nam tông đã góp phần cố kết cộng đồng, định hướng thế giới quan và nhân sinh quan, định hướng chuẩn mực và luân lý đạo đức, tạo ra nếp sống cho con người nơi đây. Vai trò đó được thể hiện thông qua các hoạt động thuần túy sinh hoạt tôn giáo và hoạt động tôn giáo gắn với cộng đồng. Có thể nói, ảnh hưởng của nhà chùa không phải chỉ gói gọn trong khuôn viên nơi chùa tọa lạc mà là ảnh hưởng toàn xã hội Khmer. Vì vậy, nhà chùa là một “thiết chế xã hội” chứ không dừng lại ở nghĩa đen cụ thể của các ngôi chùa. Đây có thể coi là đặc điểm quan trọng nhất của chùa vùng Khmer Nam bộ.

Đối với người Khmer luôn gắn liền với một ngôi chùa nhất định, chính vì thế bất kì người con trai Khmer nào cũng phải vào chùa tu học một thời gian trong cuộc đời của mình. Người Khmer tin vào Phật giáo Nam tông bởi vì nó thoả mãn được nhu cầu về tinh thần của người dân nơi đây. Người Khmer ở Nam bộ có đời sống gắn liền với dòng sông Mê Kông, “Mê Kông đâu chỉ mang lại lợi ích mà nó còn mang lại cho người dân nơi mà nó chảy qua những tai họa. Nạn lũ lụt bám dai dẳng người dân vào tận giấc ngủ, có những năm nước lũ đã nhấm chìm xóm làng ở các đồng bằng. Khi nước lũ rút đi xóm làng ở đây trở thành điêu tàn. Tất cả của cải đều trở thành đối tượng hủy diệt của dòng sông, mặc dù ở đó không có một giọt mưa”(1).

 

Người dân Việt Nam vùng Mê Kông đã nhìn thấy được những giá trị đạo đức Phật giáo có thể giúp họ bảo lưu, duy trì và chuyển tải những giá trị tốt đẹp vốn có của họ”(2) . Trong giáo lý của đức Phật, Lục độ (bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tiến, thiền định, trí tuệ) là con đường dẫn đến sự giác ngộ, mà điều đầu tiên phải thực hiện được là thực hành bố thí (tài thí, pháp thí và vô uy thí). Theo lý giải của Hòa thượng Thích Nhất Hạnh, tài thí làm giảm những đau khổ của con người về phương diện vật chất, tức là phương diện kinh tế và y tế, bao gồm những kế hoạch phát triển kinh tế, tái phân lợi tức, xóa bỏ những cơ cực gây nên do đời sống quá chênh lệch hằng ngày trong xã hội và thực hiện công bằng xã hội. Còn pháp thí không chỉ dừng lại ở truyền bá suông những tư tưởng đạo Phật mà còn bao hàm chương trình truyền bá những kiến thức cần thiết cho đời sống cá nhân và xã hội như: y tế, vệ sinh, pháp luật, chính trị nhằm giúp người dân thoát khỏi sự dốt nát, bệnh tật, nghèo khổ và tìm cơ hội vươn lên trong cuộc sống. Vô úy thí có mục đích che chở, bao bọc mọi người thông qua những kế hoạch bảo vệ bằng pháp luật, y tế, giáo dục, chính trị, quân sự cho tự do, an ninh, sức khỏe của mọi người (3). Đây là một biểu hiện rõ nét về chức năng xã hội của tôn giáo, vừa hỗ trợ vật chất vừa giúp đỡ về mặt tinh thần để con người vượt qua những giai đoạn khó khăn, khủng hoảng trong cuộc sống.

Đạo Phật có vai trò rất quan trọng trong việc giáo dục hình thành nhân cách, đạo đức, dân trí của đồng bào Khmer. Phật giáo đã đưa ra những tư tưởng và phương pháp cải cách xã hội, “giáo hóa đạo đức tinh thần của con người, khuyên người ta sống từ, bi, hỉ, xả, bác ái…”(4).

Phật giáo Nam tông đã tác động mạnh mẽ đến tâm lý người Khmer ở Nam bộ rõ nhất là ở mặt tinh thần. Họ tin rằng, có kiếp sau và tin vào cõi niết bàn, niềm tin đó đã gắn chặt người Khmer với các ngôi chùa. Chính vì thế, người Khmer khi sinh ra, lớn lên rồi về già và cho đến lúc chết, mọi buồn vui của cuộc đời đều gắn bó với ngôi chùa. Chùa là biểu tượng tinh thần của cộng đồng cư dân Khmer Nam bộ. Mỗi phum sóc đều có ngôi chùa là trung tâm điều khiển cả việc đạo lẫn việc đời. Việc đóng góp công sức, tiền của xây dựng chùa là việc làm công đức, là con đường đưa tới sự giải thoát (theo tinh thần Phật giáo).

Vai trò của sự từ bi trong Phật giáo Nam tông ảnh hưởng đến tính thiện của người Khmer ở Nam bộ. Đức Phật cũng đã dạy rằng, con người luôn sống hiền hòa, tu hành đạt thành chính quả để có thêm nghị lực, rũ bỏ những bụi bẩn của cuộc đời, lục căn sẽ luôn trong sáng, trí tuệ sẽ được hiển minh. Khi đó, thế gian sẽ được bình an, tất cả sinh linh sẽ tràn đầy hạnh phúc. Xuất phát từ tinh thần đó, người Khmer ở Nam bộ đã không ngừng tu tập, rèn luyện, giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Những hành động của họ thể hiện sự tương thân tương ái của nước ta, “lá lành đùm lá rách”, “một miếng khi đói, bằng một gói khi no” hay “dù xây chín bậc phù đồ, không bằng làm phúc cứu cho một người”. Các nhà sư và tín đồ Phật giáo Nam tông đã nỗ lực một cách tích cực trong các hoạt động từ thiện xã hội, nhằm mang lại niềm vui, hạnh phúc cho những mảnh đời, số phận kém may mắn. Sự giao hòa giữa giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam với giáo lý nhà Phật đã tạo ra sức sống mãnh liệt và vững chãi của Phật giáo nơi đây. Phật giáo Nam tông Khmer là tổ chức Phật giáo nằm trong sự thống nhất của Giáo hội Phật giáo Việt Nam; do vậy, Phật giáo Nam tông Khmer cũng đã cùng đồng hành với dân tộc, góp phần xây dựng đất nước thịnh vượng, bình yên và hạnh phúc. Theo quan niệm của Phật giáo Nam tông Khmer, nhà sư và bách tính có mối quan hệ khăng khít với nhau, nên chùa Khmer là nơi cưu mang trẻ mồ côi, hoặc con nhà nghèo và là nơi dạy chữ, dạy người cho phật tử.

Trong ngôi nhà chung của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phật giáo Nam tông Khmer cũng đã có những nỗ lực tích cực trong quá trình đồng hành cùng dân tộc thông qua các hoạt động răn dạy các tín đồ, sư sãi thực hành theo những lời huấn thị của đức Phật “từ bi, bác ái, hỉ xả”, cứu giúp những mảnh đời, số phận kém may mắn. Ngoài ra, trong đời sống chính trị, Phật giáo Nam tông cũng đã tích cực tuyên truyền, vận động tín đồ, sư sãi chấp hành nghiêm túc các chủ trương, chính sách của Nhà nước.

Phật giáo Nam tông đã góp phần vào việc giúp đỡ người dân nơi đây xa lánh những cám dỗ xã hội đang bủa vây, không làm những việc làm trái với đạo lý con người, góp phần mang lại ổn định cho xã hội. Phật giáo Nam tông có ảnh hưởng chi phối gần như mọi mặt trong cuộc sống hằng ngày của người dân Khmer. Chùa Khmer luôn được đặt ở vị trí trung tâm là nơi trang nghiêm, thịnh vượng, đẹp đẽ nhất ở phum sóc, vừa là nơi thờ tự, nơi lưu giữ kinh sách, nơi chia sẻ tâm linh, nơi sinh hoạt và giáo dục cộng đồng, nơi cất giữ và lưu truyền văn hóa truyền thống của tộc người, v.v… Trong quan niệm của người Khmer, nhà sư là người có vai trò rất quan trọng, bởi theo quan niệm của phật tử cho rằng, chức sắc, sư sãi là những người đại diện cho đức Phật. Ngày nay, các ngôi chùa trở thành nhịp cầu nối quan trọng giữa chính quyền và nhân dân.

Trong những năm qua, Phật giáo Nam tông Khmer cũng đã tích cực tuyên truyền, vận động các sư sãi và đồng bào phật tử thực hiện tốt các phong trào tại địa phương như xóa đói giảm nghèo, nâng cao dân trí, giữ gìn an ninh trật tự và góp phần xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc”(5) . Các hoạt động tuyên truyền, vận động này thường được thực hiện trong các buổi thuyết pháp và giảng dạy do các trụ trì đảm nhận.

2.2. Giá trị cốt lõi của giáo lý Phật giáo Nam tông Khmer Nam bộ

Hệ giá trị của Phật giáo Nam tông Khmer là một hệ thống các tiêu chí, chuẩn mực giúp tín đồ lựa chọn và định hướng hành động trong đời sống tôn giáo. Là động lực tinh thần liên kết mọi tín đồ đồng thuận, tự nguyện tuân thủ. Hệ giá trị đó có ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống của cộng động người Khmer Nam bộ.

Thứ nhất là, tính nhân bản.  Phật giáo Nam tông đặt con người làm trọng tâm để giáo hóa làm trục xoay cho toàn bộ tư tưởng. Phật giáo Nam tông đã khẳng định được vị thế của mình trong quá trình tồn tại và phát triển. Chúng ta thấy rằng, những mục tiêu cao nhất trong Phật giáo Nam tông là “tất cả vì hạnh phúc con người”.

Phật giáo luôn đề cao nỗ lực và ý chí của bản thân con người. Những kẻ lười biếng, bạc nhược không bao giờ có thể đến bờ giác ngộ. Với những tâm hồn khao khát tự do và giải thoát tuyệt đối, dốc hết sức mình cùng với sự hiểu biết chân lý của đạo Phật thì chắc chắn sẽ đạt kết quả tốt đẹp trên bước đường tu học. Mọi hành động đều tạo ra một kết quả tương ứng. Ai gieo, người đó gặt và gieo gì gặt nấy. Hệ quả là người ta phải nỗ lực theo thiện tránh ác, bằng cách đó mới có được số phận tốt đẹp.

Thứ hai là, sự đấu tranh giữa cái tốt và xấu, cái thiện và ác, cái cao thượng với cái thấp hèn, giữa lý tưởng giác ngộ và dục vọng, mê muội, từ bi, hỷ xả mang tình thương đến cho mọi người.  Tấm lòng từ bi, nhân ái của đức Phật được thể hiện ở sự đồng cảm, xót thương đối với chúng sinh. Đức Phật dạy rằng, “Phải lấy từ bi làm gốc, cây bồ đề lớn mạnh nhờ bám sâu gốc rễ trong đất, kẻ tu hành lấy từ bi, lợi lạc hữu tình làm lẽ sống”(6) . Phật giáo Nam tông quan niệm tất cả chúng sinh, từ con người cho đến các sinh vật nhỏ bé đều tìm ẩn một khả năng phi thường như nhau; đó là khả năng thành Phật, nhưng tuỳ thuộc vào khả năng của mỗi loài nhanh hay chậm, Người nói “ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành”. Đây là nền tảng để hình thành tính bình đẳng trong đạo đức Phật giáo. Phật giáo Nam tông cho rằng, chỉ có thể vận dụng lòng thương yêu, từ bi mới kết nối con người lại gần nhau hơn và tạo ra sức mạnh để vượt qua thử thách của cuộc sống.

Thứ ba là, Phật giáo Nam tông đề cao giáo dục đạo đức và rèn luyện trí tuệ. Quá trình tồn tại của mình Phật giáo đã hoà mình với phong tục tập quán và đạo đức truyền thống của dân tộc Việt Nam. Trong quá trình đó, những giá trị đạo đức Phật giáo Nam tông đã có những đóng góp không nhỏ trong việc giáo dục đạo đức cho phật tử nói chung và người Khmer nói riêng. Giá trị cốt lõi của đạo đức Phật giáo Nam tông là hành thiện, tránh ác, từ bi diệt khổ. Đó là việc lấy tình thương đối với muôn loài, với con người làm trọng, làm vơi bớt nỗi đau của con người.

Phật giáo Nam tông cho rằng, trong Tam học “giới – định – tuệ” thì trí tuệ đóng vai trò quan trọng là con đường đưa đến diệt khổ. Trí tuệ giúp con người phân biệt thiện với bất thiện, thanh tịnh với u uế, chánh pháp với tà pháp để diệt trừ pháp ác thực hành pháp lành. Như vậy, Phật giáo Nam tông nhấn mạnh trí tuệ để thiền định, chiêm nghiệm, thực hành nhằm đạt được mục tiêu tối thượng là giải thoát. Sự giải thoát chỉ đạt được trong sự giác ngộ hoàn toàn với lòng từ bi vô lượng. Nếu giác ngộ mà không có từ bi là sự ích kỷ, sự giác ngộ được trọn vẹn khi có sự kết hợp giữa từ bi và trí tuệ.

3. Thay lời kết

Phật giáo Nam tông là tôn giáo có ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực người Khmer ở Nam bộ. Phật giáo Nam tông Khmer tồn tại lâu bền với người Khmer Nam bộ đã chứng tỏ sự hòa hợp chặt chẽ giữa đạo đức của Phật giáo Nam tông Khmer với lối sống của cộng đồng người Khmer một cách sâu sắc. Và có thể nói rằng, trong đời sống văn hóa của cộng đồng người Khmer ở Nam bộ giá trị đạo đức của Phật giáo Nam tông Khmer đã thấm sâu vào ý thức mỗi người, trở thành tiềm thức, niềm tin, triết lý sống của họ. Những giá trị đạo đức Phật giáo luôn được gìn giữ và phát huy từ đời này sang đời khác. Cho dù cuộc sống gặp khó khăn, họ vẫn luôn một lòng hướng Phật để mong muốn đời sau được tốt đẹp hơn. Trải qua hàng nghìn năm, niềm tin đó không hề thay đổi, biết bao thăng trầm của lịch sử, người Khmer Nam bộ vẫn giữ được truyền thống văn hóa mang bản sắc riêng của mình, đặc biệt là giá trị đạo đức của Phật giáo Nam tông Khmer.

Trương Thi Thạnh – Học viên Cao học trường ĐH KHXH&NV Tp.HCM
Tạp chí Nghiên cứu Phật học số tháng 7 năm 2016
—————————————————————-
Chú thích
1. Võ Văn Dũng, Đỗ Thị Thuỳ Trang, Trương Thị Thạnh (2015), So sánh sự giao lưu Phật giáo và phong tục tập quán ở Việt Nam và Campuchia vùng Mê Kông, Hội thảo Quốc tế Phật giáo vùng Mê- Kông, quyển 1, tr 357.
2. Võ Văn Dũng, Đỗ Thị Thuỳ Trang, Trương Thị Thạnh (2015), So sánh sự giao lưu Phật giáo và phong tục tập quán ở Việt Nam và Campuchia vùng Mê Kông, Hội thảo Quốc tế Phật giáo vùng Mê- Kông, quyển 1, tr 362- 363.
3. Thích Nhất Hạnh (2008), Đạo Phật hiện đại hóa, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội, Tr. 69-70.
4. Doãn Chính (1999), Lịch sử triết học Ấn Độ cổ đại, Nxb.Thanh niên, Tp. HCM. Tr. 265.
5. Dương Nhơn (2008), “Phật giáo Nam tông Khmer trong bối cảnh thống nhất và hội nhập của Phật giáo Việt Nam”, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 2. Tr.44.
6. Thích Minh Châu (giới thiệu) nhiều tác giả (1995), Đạo đức học Phật giáo, Viện nghiên cứu Phật học, tr. 64.

 

Tài liệu tham khảo

1. Thích Minh Châu (giới thiệu) nhiều tác giả (1995), Đạo đức học Phật giáo, Viện nghiên cứu Phật học.

2. Doãn Chính (1999), Lịch sử triết học Ấn Độ cổ đại, Nxb.Thanh niên, Tp. Hồ Chí Minh.

3. Võ Văn Dũng, Đỗ Thị Thuỳ Trang, Trương Thị Thạnh (2015), So sánh sự giao lưu Phật giáo và phong tục tập quán ở Việt Nam và Campuchia vùng Mê Kông, Hội thảo Quốc tế Phật giáo vùng Mê- Kông, quyển 1.

4. Thích Nhất Hạnh (2008), Đạo Phật hiện đại hóa, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội.

5. Trần Hùng Hậu (1966), Giáo trình đạo đức học, Nxb. Giáo dục.

6. Nguyễn Duy Hinh, Lê Đức Hạnh (2011), Phật giáo trong văn hóa Việt Nam, Nxb. Văn hóa – Thông tin và Viện Văn hóa, Hà Nội.

7. Dương Nhơn (2008), “Phật giáo Nam tông Khmer trong bối cảnh thống nhất và hội nhập của Phật giáo Việt Nam”, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 2.

Post a comment