(PGVN) Để Phật giáo thực sự thu hút và tiếp cận với nhiều đối tượng, nhất là giới trẻ, không ít người đã mạnh dạn đổi mới bằng việc đưa âm nhạc vào việc hoằng dương phật pháp.
Tuy nhiên, đổi mới luôn là con dao 2 lưỡi, có thể giúp Phật giáo phát triển và nhanh chóng lan rộng, nhưng nếu quá chú trọng phương tiện truyền tải mà có sự chuẩn bị không kỹ, không sâu sẽ có thể gây nên những tác hại lớn, làm ảnh hưởng đến sự trang nghiêm của phật pháp.
Không thể phủ nhận những điểm mạnh của việc hiện đại hóa hoằng pháp thông qua âm nhạc, nhưng cũng có một số sai sót nhất định khiến dư luận có nhiều ý kiến đa chiều.
Chắc hẳn mọi người không quên việc ca sĩ Ưng Hoàng Phúc đã mạnh dạn phối nhạc dance cho bài “CHÚ ĐẠI BI” và quyết định đem ra trình diễn. Bài nhạc này đã nhận được không ít lời chê trách, thậm chí là phản ứng gay gắt từ phía khán giả về việc đã phá vỡ sự “trang nghiêm” của bài kinh chú trong đạo Phật.
Ca sĩ Ưng Hoàng Phúc trình diễn bản phối nhạc dance “Chú Đại Bi” |
Với ý nghĩa tích cực như vậy, tác giả Dương Kinh Thành đã có những góp ý và đôi điều suy nghĩ về bài được phối nhạc dance: “Thật đáng tiếc cho ca sĩ Ưng Hoàng Phúc khi tâm nguyện trong sáng và thành kính của anh đã không được trọn vẹn trong phong cách thể hiện ca khúc “Tụng Chú Đại Bi (Maha Karunika Citta Dharani) – Ưng Hoàng Phúc Remix phong cách mới lạ”.
Theo thiển ý người viết, trong ca khúc này có tới 3 lý do để anh phải đương đầu với nhiều lời chê trách (có tới hơn 75% cho rằng phản cảm, khó chấp nhận và chỉ với 25% chấp nhận được trong tổng số 4.061 phiếu thăm dò của VnExpress).
Thứ nhất: Nếu Ưng Hoàng Phúc chuyển nhẹ vài dòng nhạc vào thay vì đọc rap suốt sẽ hay hơn.
Thứ hai: Chú Đại Bi tuy có bóng dáng Thiên Thủ Thiên Nhãn của Bồ tát Quán Thế Âm nhưng vẫn là một bài chú riêng biệt, do vậy dòng nhạc intro đệm giữa là “Om mani Padme hum” là không hợp lý. Chưa kể càng vô lý hơn khi dòng intro mở đầu lại là “Nam mô A Di Đà Phật” (Tịnh độ tông) theo phong cách nhạc Phật Trung Hoa.
Thứ Ba: (Như đã nói các phần trên) nguyên nhân chính phá nát bài hát này của Ưng Hoàng Phúc chính là nhóm múa minh họa. Ngoài phong cách tung tăng không phù hợp còn là trang phục áo vạt hò lại có miếng vá màu đen bên vai phải (không rõ đó là ý gì) và đeo tràng hạt đồng bộ không phù hợp trong Mật tông”.
Với góc nhìn khác, ca sĩ Quách Tuấn Du – một ca sĩ thường xuyên thể hiện những ca khúc Phật giáo, lại có những thông cảm về việc phối nhạc dance “Chú Đại Bi”: “Để giới trẻ nghe một bài kinh thì rất khó cảm nhận. Ưng Hoàng Phúc phổ nhạc dance để cho không khí mới mẻ hơn. Một số người khắt khe thì sẽ cho là phá vỡ bài kinh. Theo tôi nghĩ cách làm của Phúc là muốn được hoằng pháp theo cách hiện đại để phổ cập cho giới trẻ dễ dàng hơn thôi”.
Thiết nghĩ, ca sĩ Ưng Hoàng Phúc cũng như nhiều ca sĩ trẻ khác xuất phát từ tấm lòng chân thành và thiết tha với Phật pháp, muốn hoằng dương Phật pháp thông qua lời ca tiếng hát để đem lại lợi lạc cho mọi người. Tuy nhiên cần phải thận trọng trong phong cách thể hiện cũng như nền nhạc và không gian trình diễn để không mất đi sự trang nghiêm, những giá trị cốt lõi và có thể truyền tải đúng chánh pháp.
Phá cách chứ không phải phá vỡ, hiện đại hóa chứ không phải đánh mất những giá trị cốt lõi và ý nghĩa thiêng liêng của “ngôn ngữ Phật giáo”. Không chỉ riêng giới nghệ sĩ: ca sĩ, nhạc sĩ, diễn viên… mà ngay cả những người phật tử và tất cả mọi người nên thận trọng trong quá trình hội nhập này tránh những sai lầm không đáng có, để cùng chung tay góp sức xây dựng một đạo Phật vững bền và “lợi lạc quần sanh”.
Hồng Yến