Từ lâu hình ảnh Bồ-tát Di Lặc (Sanskrit: Maitreya, Pali: Metteyya) được xem là biểu tượng của niềm vui hoan hỷ, sự tự tại và an lạc. Bước chân đến chùa, hình ảnh đầu tiên thường bắt gặp là Bồ-tát Quán Thế Âm, biểu tượng của lòng từ bi (cứu khổ, ban vui) hoặc hình ảnh Bồ-tát Di Lặc, biểu tượng của lòng hỷ xả (hoan hỷ, buông bỏ mọi phiền não, chấp thủ).
Không chỉ ở chùa mà nhiều nơi như văn phòng, cửa hàng, tư gia người ta cũng tôn trí tượng Bồ-tát Di Lặc với mong ước mang lại niềm vui và sự may mắn. Hình tượng Bồ-tát Di Lặc hiện nay thờ trong các chùa và nhiều nơi khác là phỏng theo hình ảnh của Bố Đại hòa thượng đời Hậu Lương (Trung Hoa). Tương truyền Bố Đại hòa thượng là hóa thân của Bồ-tát Di Lặc. Ngài có hình dáng một vị hòa thượng mập mạp, bụng to, miệng rộng luôn vui cười, đi đâu cũng quảy trên vai một cái túi vải bố to, đặc biệt là Ngài đến đâu thì ở đó có niềm vui và sự may mắn. Khi Ngài vào tiệm quán, cửa hàng nào thì nơi ấy mua may bán đắt. Vì điều đó mà ngày nay các cửa hàng buôn bán, các văn phòng giao dịch thường tôn trí tượng Ngài.
Tương truyền trẻ con rất thích đi theo Ngài để nô đùa, trông thấy Ngài ở đâu là chúng chạy đến vây lấy. Vì vậy mà có hình tượng Ngài với những đứa trẻ bu quanh. Hình tượng sáu (có khi là năm) đứa trẻ vây xung quanh Ngài, đứa thì chọc vào mắt, đứa chọc vào tai, vào miệng, đứa sờ bụng, đứa kéo áo… chọc phá tượng trưng cho lục trần (cũng gọi là lục tặc: sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp – sáu đối tượng của lục căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý). Dù sáu đứa trẻ quấy phá nhưng Ngài vẫn cười hỷ xả, không buồn, không giận, không bực mình hay khó chịu. Hình ảnh này rất có ý nghĩa: Dù Bồ-tát Di Lặc luôn tiếp xúc với lục trần (sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp) nhưng tâm Ngài không bị chúng tác động, không khởi phiền não, Ngài luôn hỷ xả (vui và buông xả).
Bồ-tát Di Lặc, thangka Tây Tạng
Bố Đại hòa thượng vốn tên Khế Thử, vì thường mang trên vai cái túi vải bố to để đựng vào đó những vật phẩm cúng dường nên người đời gọi là Bố Đại. Tương truyền, ngoài ngoại hình đặc biệt, luôn tươi cười thì hành tung của Ngài cũng rất lạ thường: đi đâu cũng mang theo cái túi vải, đối đáp khó hiểu, cử chỉ lạ lùng. Ngài đi đến đâu thì ở đó có niềm vui và sự may mắn. Người ta nói Ngài có khả năng đoán biết thời tiết. Khi thấy Ngài ngủ ngoài đường thì biết thời tiết sẽ tốt, khi thấy Ngài mang giày và tìm chỗ trú thì biết trời sắp mưa. Hoặc cho rằng Ngài có khả năng làm thay đổi thời tiết theo ý muốn: Khi mưa nhiều kéo dài không dứt, Ngài mang guốc đến nằm ngửa trên cầu gỗ, co hai chân lại đưa hai đầu gối lên thì qua ngày hôm sau trời không còn mưa nữa và có nắng. Còn khi nào trời nắng nóng lâu ngày không có mưa, Ngài mang dép cỏ đi tới đi lui thì tối đến có mưa xuống. Ngoài ra Ngài còn có khả năng đặc biệt là ngủ trong tuyết nhưng không bị ướt mình…
Người ta kể rất nhiều câu chuyện về hành trạng đặc dị của Ngài mà người bình thường không thể nào hiểu được. Một lần có vị Hòa thượng tên Bảo Phước hỏi Ngài:
– Đại ý Phật pháp là gì?
Ngài để cái túi vải xuống đất rồi đứng thẳng khoanh tay. Hòa thượng Bảo Phước lại hỏi:
– Chỉ như vậy thôi hay còn gì khác nữa?
Ngài bèn khoác cái túi vải lên vai rồi đi.
Đến lúc thị tịch, Ngài ngồi trên tảng đá bên chùa Nhạc Lâm nói bài kệ:
Di Lặc chơn Di Lặc
Phân thân thiên bách ức
Thời thời thị thời nhân
Thời nhân tự bất thức.
(Di Lặc thật Di Lặc
Phân thân trăm, ngàn, ức
Luôn luôn chỉ người đời
Người đời tự chẳng biết).
Lúc bấy giờ người đời mới biết Ngài là hóa thân của Bồ-tát Di Lặc.
Di Lặc là vị Bồ-tát mà các truyền thống Phật giáo như Phật giáo Nguyên thủy, Phật giáo Phát triển, Mật giáo đều công nhận và tín ngưỡng.
Bố Đại hòa thượng, hiện thân của Đức Di Lặc trong quan niệm Trung Quốc
Bố Đại hòa thượng chỉ là một trong những hóa thân của Bồ-tát Di Lặc khi ứng hiện tại Trung Quốc. Theo các kinh Tăng nhất A-hàm và kinh Di Lặc hạ sinh, Di Lặc thượng sinh (Quán Di Lặc Bồ-tát thượng sinh Đâu-suất thiên) thì Bồ-tát Di Lặc hiện đang ở cõi trời Đâu-suất thuyết pháp hóa độ chư thiên và những ai phát đại nguyện sinh về Đâu-suất Tịnh độ của Ngài. Ngài là vị Nhất sinh Bổ xứ Bồ-tát sẽ thành Phật trong vị lai sau khi giáo pháp của Đức Phật Thích Ca không còn trụ thế.
Tượng Bồ-tát Di Lặc, Hàn Quốc
Kinh Chuyển luân Thánh vương Sư tử hống (số 26, Trường bộ III) có nói về Đức Phật Di Lặc trong thời vị lai như sau: “Này các Tỳ-kheo, khi tuổi thọ loài người lên đến tám vạn tuổi, có Thế Tôn tên là Metteyya ra đời, là vị A-la-hán, Chánh Đẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn, như Ta nay sinh ra ở đời này là bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Vị này tự mình biết, chứng và tuyên thuyết quả đất này, gồm có Thiên giới, Ma giới, Phạm thiên giới, thế giới này với Sa-môn, Bà-la-môn, loài trời, loài người, như Ta hiện nay tự mình biết, chứng và tuyên thuyết. Vị này sẽ thuyết pháp sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, với nghĩa lý văn tự đầy đủ và tuyên thuyết đời sống Phạm hạnh hoàn toàn đầy đủ thanh tịnh, như Ta hiện nay thuyết pháp sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, với nghĩa lý văn tự đầy đủ và tuyên thuyết đời sống Phạm hạnh hoàn toàn đầy đủ thanh tịnh. Vị này sẽ có khoảng vài ngàn vị Tỳ-kheo Tăng đoàn, như Ta hiện nay có khoảng vài trăm vị Tỳ-kheo Tăng đoàn vậy”.
Từ Metteyya (Pàli), Maitreya (Sanskrit), Jhampa (Tây Tạng), Milo (Nhật Bản), Từ Thị (Trung Quốc dịch nghĩa) có nghĩa là Đấng Từ bi, Người có lòng từ, mang chủng tính từ bi. Theo Đại Nhật kinh sớ, Từ Thị có nghĩa là chủng tính từ bi. Lòng từ bi này sinh ra từ chủng tính Như Lai hay Phật tính.
Về Bồ-tát Di Lặc hay Phật Di Lặc trong thời vị lai, chúng ta có thể xem thêm các kinh Hiền ngu, kinh Di Lặc Bồ-tát sở vấn bản nguyện (Trúc Pháp Hộ dịch), kinh Di Lặc thượng sinh (Thư Cừ Kinh Thanh dịch), kinh Di Lặc hạ sinh (Trúc Pháp Hộ dịch) v.v…
Qua các kinh, Đức Phật dạy phát nguyện tu theo Đức Di Lặc bằng hai cách: Thứ nhất, tu tập và phát nguyện sinh về cõi Tịnh độ Đâu-suất là nơi Bồ-tát Di Lặc đang thuyết pháp giáo hóa chư thiên và những ai vãng sinh về. Tại đây, chúng ta sẽ được gặp Bồ-tát Di Lặc và tu học theo Ngài cho đến khi Ngài giáng sinh xuống thế giới này, tất cả sẽ tiếp tục theo Ngài tu hành, cùng xây dựng Tịnh độ nhân gian. Thứ hai là tu tập theo lời Phật dạy và phát nguyện sẽ sinh ra trong thời Phật Di Lặc trụ thế để tu học theo Ngài cho đến khi chứng thành Thánh quả.
Kinh Di Lặc thượng sinh dạy những ai muốn sinh về Đâu-suất Tịnh độ (cũng gọi là Di Lặc Tịnh độ) cần phải tu tập như sau: “Nếu có hàng xuất gia hoặc tại gia, phát tâm Vô thượng Bồ-đề, muốn cứu độ tất cả chúng sinh, không sợ và không nhàm chán cuộc sống sinh tử khổ não như hàng Nhị thừa, khát vọng cầu sinh về Đâu-suất và luôn luôn nghĩ tới cảnh Tịnh độ Đâu-suất, đồng thời nên tùy khả năng cố gắng tu mười điều thiện (Thập thiện nghiệp), Bát quan trai, giữ năm giới (Ngũ giới), Cụ túc giới, quán tưởng hình tượng, xưng danh Bồ-tát Di Lặc, đọc tụng kinh điển, nhiếp niệm chuyên tâm (không để tâm ý buông lung, tán loạn)… Ngoài ra, lại thường nên dùng hương hoa chí thành dâng cúng, hoặc nghe đến danh hiệu Bồ-tát Di Lặc sinh lòng cung kính, lễ bái… Những người làm được nhiều hoặc ít trong các pháp tu trì kể trên, tuy phiền não chưa đoạn trừ sạch, nhưng sau khi mạng chung, chỉ trong nháy mắt, liền được sanh về cõi Tịnh độ Đâu-suất. Sau này, khi Đức Di Lặc giáng sinh cũng sẽ được cùng Ngài xuống thế giới này để tiếp tục tu trì, hóa độ…”.
Dù sinh về cõi Đâu-suất Tịnh độ hay sinh vào thời Đức Phật Di Lặc ra đời đều là ước nguyện của nhiều người con Phật từ xưa đến nay. Vì thế không biết từ bao giờ, người Phật tử xuất gia và tại gia lấy ngày đầu năm mới, mồng 1 Tết âm lịch làm ngày lễ kỷ niệm Ngài và xem đây là một truyền thống tốt đẹp của Phật giáo.
Trong ngày này người Phật tử thành tâm thành kính hướng vọng về Ngài, nguyện tu tập theo gương hạnh của Ngài: từ bi, hỷ xả, vô trụ chấp, an vui tự tại. Những ai ngưỡng mộ Ngài và cõi Đâu-suất Tịnh độ, người thì phát nguyện tu tập để được sinh về nơi thắng diệu đó, sau này cùng Ngài trở lại cõi đời này thiết lập Tịnh độ nhân gian; người thì phát nguyện tu tập để được sinh ra trong thời Ngài ra đời thành Phật hóa độ chúng sinh để được Ngài dìu dắt. Tất cả đều có chung tâm nguyện vì an lạc hạnh phúc cho mình và chúng sinh trong ba cõi. Người không phải là Phật tử cũng cung kính lễ bái Ngài cầu sự bình an, may mắn tốt lành cho năm mới, và chiêm ngưỡng Ngài thông qua hình tượng Bố Đại hòa thượng để học hạnh bao dung, từ bi, hỷ xả, lòng rộng mở luôn tự tại, an vui.
Minh Hạnh Đức (Xuân GN)