Khái niệm về sự nóng giận
Giận là một trạng thái xúc cảm rất phổ biến của con người. Nó là một loại xúc cảm tiêu cực, không lành mạnh và là nguyên nhân gây ra nhiều vấn đề rắc rối khác. Sự tức giận có thể biểu hiện dưới những cường độ khác nhau, từ sự bực mình đến tức giận điên cuồng và nổi cơn thịnh nộ. Cũng như những loại xúc cảm khác, sự tức giận thường kéo theo những thay đổi về sinh – vật lý ở trong cơ thể con người. Khi bạn tức giận thì tim của bạn sẽ đập nhanh hơn, huyết áp tăng lên, thở nhanh, căng cơ và các hoóc-môn như là adrenaline và noradrenaline cũng tiết ra nhiều hơn. Đối tượng của sự tức giận có thể là con người, cũng có thể là con vật hay thậm chí là cả những đồ vật vô tri vô giác. Mỗi khi chúng ta tức giận ai thì chúng ta cảm thấy người đó thật khó ưa, thổi phồng những đặc tính không tốt của người đó, không đếm xỉa đến tất cả những điểm tốt của họ và muốn hại họ.
Theo Bupa, giận là một loại xúc cảm tự nhiên và thường diễn ra khi người ta cảm thấy nản lòng, lúc bị đau khổ, bị chối từ hay là bị chống đối. Nó là một cảm xúc mạnh mẽ, và nó có thể gây những hậu quả tai hại đến gia đình, đến công việc và đến sự hạnh phúc, khỏe mạnh của bạn, trừ phi nó được chế ngự một cách đúng đắn(1).
Theo Michael Kent, giận có thể được xem như là một hình thức phản ứng và đối phó được sinh ra để giúp cho con người có thể ứng phó trước những sự đe dọa(2).
Raymond W. Novaco, trong Từ điển bách khoa về Tâm lý trị liệu, đã định nghĩa giận là một loại xúc cảm tiêu cực nảy sinh một cách chủ động như là một sự chống đối phát sinh nhắm đến một ai đó hay một thứ gì đó được xem như là nguồn gốc của một sự kiện đáng ghét(3).
Theo Từ điển bách khoa về Tâm lý học của Gale, tức giận là một trong những xúc cảm chính yếu của con người. Tức giận thường phát sinh bởi sự thất vọng về những cố gắng để đạt được một mục đích nào đó, hay là bởi những hành động chống đối, hoặc gây phiền phức, chẳng hạn như là những lời sỉ nhục, những sự tổn thương, hay là những sự đe dọa mà không xuất phát từ một nguồn đáng sợ. Những nguyên nhân gây ra tức giận khác nhau đối với mỗi người vào những thời điểm khác nhau trong cuộc sống của họ(4).
Còn Arthur S. Reber và Emily S. Reber, trong Từ điển Tâm lý học, đã định nghĩa rằng, giận, nói một cách tổng quát, là một sự phản ứng xúc cảm khá mạnh và nó nảy sinh trong những tình huống khác nhau, như là bị kiềm chế, bị quấy nhiễu, bị lấy đi những vật sở hữu của bản thân, bị tấn công, hoặc là bị đe dọa,…(5).
Như vậy chúng ta có thể hiểu một cách khái quát rằng, giận là một trạng thái xúc cảm, là cảm giác bực bội khi bị thất vọng hoặc là bị tổn thương, là sự phản ứng đối với những cảm giác của sự đau khổ. Một khi người ta nổi giận thì thường có những biểu hiện cộc cằn, thô lỗ, không mấy thân thiện trong lời nói, hành động, qua ánh mắt, nét mặt,… Và giận thường gây cho bản thân chúng ta và những người xung quanh nhiều phiền muộn, rắc rối.
Các nguyên nhân
Theo các nhà tâm lý học thì người ta có thể nổi giận do nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm cả những nguyên nhân bên ngoài lẫn những nguyên nhân bên trong. Bất cứ lúc nào chúng ta bị cản trở, không cho phép đạt được những gì chúng ta mong muốn, hoặc là bị ép vào những hoàn cảnh mà chúng ta không thích; hay nói cách khác là bất cứ khi nào chúng ta phải đối diện với những gì chúng ta muốn né tránh, những gì chúng ta không thích, tâm chúng ta thường lập tức cảm thấy đau khổ. Và cảm giác không dễ chịu này thường được chuyển thành sự tức giận.
Sau đây là những yếu tố, những hoàn cảnh thường khiến cho người ta nổi giận: Đau buồn vì mất người thân; mệt mỏi; đau khổ; đói khát; sự khiếm nhã, mất lịch sự; khi đang cai nghiện thuốc phiện hoặc các chất gây nghiện khác; đang mắc phải những bệnh về sinh lý hoặc tâm lý; nghiện rượu, nghiện thuốc, nghiện ma túy; bị trêu chọc hay bức hiếp; bị làm nhục; bị bối rối; đang trong thời điểm gấp rút; sự ùn tắc giao thông; sự thất vọng; sự phục vụ thiếu chu đáo; sự thất bại; sự không chung thủy, thất tín; bị trộm cắp; gặp phải những khó khăn, phiền toái về vấn đề tài chính; hoặc là khi được biết bản thân đang lâm trọng bệnh.
Những biểu hiện của sự nóng giận
Sự biểu hiện của cơn giận khá đa dạng. Mỗi người biểu hiện sự tức giận theo những cách khác nhau. Cường độ biểu hiện của sự tức giận có thể biến động từ sự bực tức thông thường đến cơn thịnh nộ dữ dội. Có người mặc dù đang tức giận nhưng vẫn giữ được sự bình tĩnh, nhưng cũng có người trở nên hung hăng, dữ tợn. Có người phản ứng ngay tức khắc, trực tiếp đối với những gì làm cho họ tức giận, nhưng cũng có người kìm nén những cảm xúc của bản thân và phản ứng một cách gián tiếp. Madlow (1972) đã liệt kê những dấu hiệu về hành vi và những lời phê bình mà người tức giận thường thể hiện đối với người khác hoặc tự nói với bản thân:
Những biểu hiện trực tiếp thể hiện qua hành vi:
– Hung hăng: Nói lời thô độc, hành động thô bạo, hung dữ, xô đẩy, đánh đập, hăm dọa bằng vũ khí như: dao, gậy, súng,…
– Gây hấn: Chỉ trích gay gắt, moi móc lỗi của người ta, chửi mắng, bêu xấu về những đặc điểm hay những động cơ hèn hạ, vô đạo đức của người ta.
– Hãm hại: Gièm pha những điều thâm độc, tìm cách hãm hại người ta.
– Nổi loạn: Có những hành vi chống đối xã hội, công khai khiêu chiến, từ chối đàm luận.
Những dấu hiệu biểu hiện qua lời nói hoặc qua ý nghĩ:
– Nói những lời căm ghét và lăng nhục, chẳng hạn như: “Tao ghét mày”, “Tôi thật sự rất bực”, “Mày thật là ngu ngốc”,…
– Khinh miệt và ghê tởm.
– Phê phán.
– Ngờ vực.
– Khiển trách.
– Căm thù và muốn hại người ta.
– Gọi người ta bằng những danh từ rất khiếm nhã.
– Nói những lời tưởng chừng như nhẹ nhàng nhưng lại rất sắc bén.
Những dấu hiệu gián tiếp biểu hiện qua hành vi;
– Xa lánh mọi người: Rút vào một nơi yên tĩnh, trầm lặng và ít giao tiếp, đặc biệt là rất ít biểu hiện cảm xúc.
– Có những dấu hiệu của sự căng thẳng thần kinh: Mệt mỏi, lo âu, huyết áp cao, rối loạn nhịp tim.
– Trầm cảm và mặc cảm tội lỗi.
– Mắc chứng tâm thần hoang tưởng.
– Tự hủy hoại bản thân hoặc là lạm dụng các chất gây nghiện, như là uống rượu, bia, dùng thuốc phiện, ma túy,…
– Rất dễ phục tùng hoặc chìu theo người khác.
– Than khóc.
Đấy là những dấu hiệu biểu hiện một cách trực tiếp hay gián tiếp của sự tức giận. Những dấu hiệu này sẽ giúp chúng ta nhận diện được sự tức giận của mình cũng như của người khác.
Những ảnh hưởng tiêu cực của sự nóng giận
Một khi chúng ta nổi giận thì sẽ ảnh hưởng đến cả hai phương diện sinh lý lẫn tâm lý của bản thân, dù là giận người khác hay là giận chính bản thân mình.
Về phương diện sinh lý: Khi nóng giận sẽ khiến cho nhịp tim đập nhanh hơn; nét mặt biến đổi, thường là đỏ mặt và trông dữ dằn hơn; hơi thở nhanh hơn; bị đau đầu; các cơ trở nên căng hơn; cơ thể có thể bị run lên; và giọng nói lớn hơn và cộc cằn, thô lỗ hơn; nếu như không kiềm chế được cơn giận, đôi khi nó có thể dẫn đến sự nhồi máu cơ tim, hay là đột quỵ đối với những người có bệnh về tim mạch.
Về phương diện tâm lý: Sự tức giận có thể dẫn đến trầm cảm; tự hủy hoại bản thân; giảm mất lòng tự trọng; buồn ủ rũ; và thường dẫn đến sự lạm dụng các chất kích thích, chẳng hạn như rượu, bia, thuốc lá, cà phê, thuốc phiện,…
Bên cạnh những ảnh hưởng tiêu cực đối với bản thân, sự tức giận còn gây ra những rắc rối, những hậu quả nghiêm trọng trong các mối quan hệ xã hội, gây bất hòa, chia rẽ, thậm chí đôi khi nó còn gây tổn hại đến tài sản và cả tính mạng nữa. Có những hậu quả nghiêm trọng do sự nóng giận gây ra làm cho người ta phải ân hận và đau khổ suốt cả cuộc đời, và không thể nào chuộc lại lỗi lầm mà họ đã tạo ra trong cơn thịnh nộ. Chính vì vậy mà chúng ta cần phải học cách làm chủ và điều phục cơn giận của mình.
Quan điểm của đạo Phật về sự nóng giận
Theo đạo Phật, sự nóng giận là một loại xúc cảm tiêu cực và nó thường dẫn đến nhiều vấn đề rắc rối cho bản thân và cho những người có liên quan. Sự nóng giận thường ảnh hưởng không tốt đến các mối quan hệ xã hội, khiến cho những người vốn dĩ thân quen trở thành kẻ thù của nhau, thậm chí là trở thành những người không đội trời chung. Giận là một trong ba thứ độc hại (tam độc: tham, sân, si), là một trong những nguyên nhân chính khiến chúng sinh tạo nghiệp bất thiện để rồi trôi lăn mãi trong luân hồi sanh tử. Giận chẳng những làm cho chúng ta đau khổ trong đời này mà còn trong đời sau nữa. Nó che lấp tâm trí chúng ta, cho nên chúng ta không thể nào thấy được sự thật của mọi sự vật hiện một cách đúng đắn, không thể nào đạt được giải thoát, không thể nào đạt được niềm hạnh phúc đích thực. Mỗi khi người ta nổi giận thì thường không kiểm soát được những ý nghĩ, hành động và lời nói của mình. Vì thế mà trong lúc tức giận, người ta thường có những hành động bộc phát, những lời nói khiếm nhã gây ra nhiều tai hại, để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng, đôi khi những hậu quả gây ra trong lúc tức giận ấy làm cho người ta phải ân hận, đau khổ, và dằn vặt suốt cả quãng đời còn lại. Chính vì thế mà Đức Phật đã dạy rằng: “Nhất sân chi hỏa năng thiêu vạn khoảnh công đức chi sơn” (Một đốm lửa sân, có thể đốt cháy muôn mẫu rừng công đức). Trong kinh Hoa Nghiêm cũng có nói: “Nhất niệm sân tâm khởi, bách vạn chướng môn khai” (Một niệm sân hận nổi lên thì trăm ngàn cửa nghiệp chướng đều mở ra).
Có người biện luận rằng, sự tức giận không có gì sai cả, chúng ta cần phải nổi giận, cần thể hiện sự tức giận của mình để đòi lại sự công bằng, đòi lại quyền lợi cho bản thân mình, nếu không thì người khác sẽ lấn lướt, sẽ lên mặt. Sở dĩ có những lời biện luận như thế là vì họ chỉ đánh giá sự tức giận một cách hời hợt, đứng trên thiên kiến vị kỷ mà nói. Nếu chúng ta quán sát sự tức giận một cách sâu sắc và toàn diện, chúng ta dễ dàng nhận thấy rằng, khi chúng ta nổi giận thì bản thân chúng ta cũng không vui sướng gì, và đối tượng mà cơn tức giận của chúng ta nhắm đến cũng đâu có hạnh phúc. Không những thế, sự tức giận khiến cho chúng ta mất khả năng tự chủ, nó che mờ tâm trí chúng ta, cho nên dễ có những hành động thiếu suy nghĩ, những việc làm thiếu chín chắn, gây khổ cho mình và người trong hiện tại lẫn tương lai. Như thế thì làm sao có thể nói rằng tức giận là đúng đắn, là một xúc cảm tích cực được. Những phẩm chất đúng đắn và tích cực thường đem lại hạnh phúc, an vui cho mình và người. Nhưng khi chúng ta nổi giận thì chúng ta hoàn toàn không có hạnh phúc.
Về nguyên nhân khiến cho chúng ta nổi giận, hầu hết mọi người đều cho rằng, do những tác nhân ở bên ngoài tác động làm cho chúng ta nổi giận, như là do bị người khác xúc phạm, do gặp phải những sự kiện, những hoàn cảnh không như ý muốn,… Nhưng theo đạo Phật thì không có ai làm cho ta nổi giận cả, chính chúng ta làm cho mình nổi giận. Dù cho người ta có làm gì đi nữa, dù cho chúng ta có lâm vào tình cảnh thế nào đi nữa, chúng ta cũng không hề nổi giận nếu như chúng ta không có những hạt giống của sự tức giận ở trong tâm mình, hoặc là hạt giống tức giận đã bị suy yếu. Hay nói rõ hơn, sự tức giận xuất phát từ trong tâm của chúng ta, do tác nhân bên trong bản thân chúng ta chứ không phải do những tác nhân bên ngoài. Tức giận là một cách chúng ta tự vệ, tự bảo vệ cái ngã của mình. Chúng ta nổi giận bởi vì cái ngã của chúng ta bị xâm phạm, bị thương tổn. Người nào sự chấp ngã càng cao thì càng dễ nổi giận. Chính hạt giống vô minh và chấp ngã ấy là nguyên nhân chủ yếu của sự tức giận. Và giận còn là nhân tố làm phát sinh những tâm lý tiêu cực, không lành mạnh khác, chẳng hạn như tâm ghen ghét, ganh tỵ, ác độc, thù hằn,…
Giận là một hạt giống (chủng tử) vốn có sẵn trong tâm thức của chúng ta. Bên cạnh đó, tất cả chúng ta đều có những hạt giống khác nữa, như là hạt giống tham lam, luyến ái, và cũng có hạt giống từ bi, hỷ xả, hạt giống hòa ái, nhã nhặn,… Nếu người nào có hạt giống giận hờn lớn mạnh thì người này thường hay nổi giận, nếu người nào có hạt giống từ bi, hòa ái lớn mạnh thì ít nổi giận hơn, và thường hòa nhã, thân thiện với mọi người. Những hạt giống ấy yếu hay mạnh là tùy thuộc vào sự chăm sóc, tưới tẩm của chúng ta, có nghĩa là tùy thuộc vào khả năng tu tập của bản thân chúng ta. Chúng ta thường xuyên tưới tẩm, nuôi nấng hạt giống nào thì hạt giống ấy sẽ mạnh lên, và ngược lại, hạt giống nào không được chăm bón thì sẽ yếu đi.
Giận gây ra nhiều hậu quả tiêu cực như thế, cho nên sự điều phục và chuyển hóa cơn giận là một trong những vấn đề chính yếu trong quá trình tu tập để trở thành một con người tốt, để có được niềm hạnh phúc cho bản thân, có ích cho gia đình và xã hội.
Ứng dụng Phật pháp vào việc chuyển hóa cơn giận
Các nhà Tâm lý học cho rằng chỉ có hai cách mà chúng ta có thể hành xử với cơn giận, một là kìm nén ở trong lòng và hai là biểu hiện ra bên ngoài. Để tránh gây tổn hại đến người khác khi biểu hiện sự tức giận, các nhà tâm lý học khuyên chúng ta rằng, mỗi khi tức giận bạn nên đánh vào những cái gối, hoặc là quay mặt vào tường để la hét để giải tỏa sự tức giận. Thế nhưng đạo Phật không tán thành với cả hai cách hành xử ấy. Bởi vì nếu chúng ta kìm nén cơn giận thì cơn giận vẫn tiềm ẩn ở trong tâm chúng ta, đến khi chúng ta không làm chủ được tâm thì sự tức giận ấy sẽ bộc phát. Cách làm này chẳng khác gì lấy đá đè cỏ. Khi đá còn đè lên cỏ thì cỏ không phát triển được, nhưng khi đá được lấy đi thì cỏ lại phát triển rất mạnh mẽ. Chúng ta có thể mỉm cười khi chúng ta kìm nén cơn giận, nhưng sự tức giận vẫn hiện hữu trong tâm chúng ta. Không những thế, khi chúng ta ghì chặt cơn giận trong lòng thì tâm chúng ta không hề có sự an vui, sự tức giận ấy làm hại chúng ta rất nhiều. Những lúc như thế thường có rất nhiều tư tưởng độc hại nảy sinh ở trong tâm trí chúng ta, nó làm cho ta bực tức, khó chịu. Nếu chúng ta để cho cơn giận của mình thỏa sức biểu hiện thì rất có thể chúng ta sẽ làm hại đến người khác, làm cho mình và người đều đau khổ. Còn việc đánh vào gối hay quay vào tường mà la hét thì nghe có vẻ hay, nhưng đâu phải lúc nào cũng có sẵn gối để chúng ta đánh, có sẵn tường để chúng ta la hét mỗi khi tức giận. Chúng ta chỉ có thể la hét hay đánh vào gối trong phòng riêng của mình mà thôi, như thế là chúng ta phải biết kìm nén cơn giận trước khi chúng ta có thể giải tỏa bằng cách đánh vào gối hay la hét. Và nếu như ai đó không có phòng riêng thì thật là không may cho họ, vì họ không thể nào giải tỏa được cơn giận theo cách này. Vả lại, sau khi la hét hay đánh vào gối thì có thể là cơn giận sẽ nguôi dần đi, nhưng hạt giống giận hờn vẫn còn nguyên vẹn, hễ gặp cảnh là lại nổi giận, cho nên đây cũng không phải là giải pháp hay.
Theo đạo Phật, chúng ta không nên kìm nén, cũng không để cho cơn giận thể hiện một cách tự do, mà chúng ta nhận diện nó ôm lấy nó với tâm yêu thương của mình. Mỗi khi nổi giận, chúng ta phải ý thức rõ là sự tức giận đang nảy sinh, nhận diện nó một cách trung thực chứ không nên giả vờ như là chúng ta không có tức giận gì cả. Chúng ta nhận diện cơn giận của mình, thừa nhận sự hiện hữu của nó, đồng thời giữ cho tâm mình được an tĩnh bằng cách tập trung vào hơi thở, thở nhẹ và sâu, sau đó trải lòng từ bi đến cơn giận của mình, dùng tình thương để ôm ấp cơn giận, chứ không phải là kìm nén nó, và nhìn thật sâu vào bản chất của cơn giận, quán chiếu về những hậu quả khổ đau mà sự tức giận có thể gây ra cho mình và người. Khi chúng ta ôm cơn giận vào lòng với tâm thương yêu như thế, chúng ta cũng có thể trải lòng thương yêu đến người đã khiến cho ta nổi giận. Chúng ta có thể quán tưởng rằng, chính người đó cũng đang đau khổ, đang có những vấn đề bất ổn ở trong lòng, tại vì họ không biết cách giải quyết nên mới có những hành xử không phù hợp với mình, vì thế họ đáng thương hơn là đáng giận. Với cách thức này thì cơn giận của chúng ta sẽ dần dần được chuyển hóa, năng lượng của cơn giận ấy sẽ không còn nữa, thay vào đó là năng lượng của sự tỉnh thức và lòng thương yêu, thương yêu chính mình và thương yêu mọi người.
Để chế tác năng lượng giúp chúng ta điều phục và chuyển hóa sự tức giận, Đức Phật dạy chúng ta tu tập hạnh nhẫn nhục. Thực hành hạnh nhẫn nhục có nghĩa là chúng ta luôn giữ cho tâm mình được bình lặng, chừng mực, không phản ứng mạnh, không chống đối lại trước sự công kích, làm nhục, gây hại của người khác, mặc dù chúng ta đủ khả năng để phản kháng. Khi nhẫn nhục như thế, lòng chúng ta không khởi lên oán hận, thù ghét, cũng không có sự đè nén, gồng ép mà luôn cảm thấy thanh thản và tràn ngập lòng thương yêu, tha thứ và bao dung. Nhẫn nhục sẽ giúp chúng ta tránh được sự xung đột, không gây ra những lỗi lầm đáng tiếc do sự nóng giận thúc đẩy để rồi ân hận suốt đời. Nhẫn nhục giúp hóa giải sự thù hận, tạo lập tình thương yêu và mối quan hệ thân thiết, hòa hợp giữa người với người.
Tu tập tâm từ bi, thương yêu bản thân mình và thương yêu mọi người cũng là một giải pháp tốt để điều phục và chuyển hóa sự tức giận. Để nuôi lớn tâm từ bi của mình thì trước hết chúng ta phải trải tâm từ bi đến những người thân yêu nhất của mình, luôn luôn thương yêu họ, đối xử ân cần, hòa nhã với họ và tìm cách đem lại niềm hạnh phúc cho họ, tránh những hành vi, những lời nói, hay việc làm có thể làm tổn thương họ, làm cho họ đau khổ. Sau đó chúng ta nới rộng dần đối tượng thương yêu của chúng ta, nới rộng dần đến những người xa lạ, những người đã và đang làm cho ta đau khổ, làm cho ta giận hờn. Với tâm từ bi, luôn muốn đem lại hạnh phúc, an vui cho người khác thì hạt giống của sự tức giận ở trong ta sẽ không còn có cơ hội nảy sinh, không còn có dịp để biểu hiện vì chúng ta không bao giờ muốn người khác phải đau khổ vì mình.
Luôn nhìn vào điểm tốt, vào những phẩm chất tích cực, lành mạnh của người khác cũng là cách để chúng ta nuôi dưỡng tâm từ bi của mình đối với người khác. Như trong kinh Diệt trừ phiền giận, Tôn giả Xá Lợi Phất đã khuyên mọi người rằng: Nếu có một ai đó mà hành động không dễ thương nhưng lời nói lại dễ thương, thì chúng ta đừng để tâm nghĩ tới hành động của người ấy mà chỉ nên chú ý tới lời nói dễ thương của người ấy, để có thể dứt trừ sự phiền giận của mình. Nếu có một ai đó mà hành động không dễ thương, lời nói không dễ thương nhưng trong tâm vẫn còn có chút dễ thương, thì ta đừng nên để tâm nghĩ tới hành động và lời nói không dễ thương của người ấy mà hãy nên chú ý tới cái chút ít dễ thương còn có trong tâm người ấy thôi để có thể dứt trừ được sự phiền giận của mình.
Bên cạnh đó, việc thường nghĩ đến những hậu quả tiêu cực, những khổ đau do sự tức giận gây ra cho mình và người cũng là một biện pháp có thể chuyển hóa được hạt giống giận hờn ở trong tâm chúng ta. Tất cả mọi người đều thừa nhận rằng, không ai muốn khổ đau, không ai muốn mình lâm vào cảnh bất hạnh. Mà như chúng ta đã biết, sự tức giận thường gây khổ đau cho cả người tức giận lẫn đối tượng của sự tức giận đó. Nếu đối tượng của sự tức giận là chính bản thân mình thì người ta thường có những hành động tự hủy hoại, tự nguyền rủa bản thân. Điều này khiến cho họ đã khổ lại càng khổ thêm. Nếu đối tượng của sự tức giận là người khác thì người ta thường có xu hướng muốn làm hại người đó, muốn khiến cho người đó phải nếm mùi khổ đau, bất hạnh. Và chính khi mình ôm lòng giận hờn, trước khi chúng ta có thể làm cho người khác đau khổ thì bản thân ta cũng đã bị lửa sân hận đó thiêu đốt. Như thế thì cả mình và người đều khổ đau, chứ đâu có lợi ích gì. Không những thế, sự tức giận còn thúc đẩy chúng ta làm những việc bất thiện, tạo những nghiệp nhân bất thiện, và những nghiệp nhân ấy sẽ lôi kéo chúng ta vào vòng sanh tử khổ đau. Nếu như mỗi khi có sự tức giận nổi lên, chúng ta ôm cơn giận vào lòng với tâm thương yêu và nghĩ đến những hậu quả do sự nóng giận gây ra như thế thì chắc chắn cơn giận của chúng ta sẽ dần dần biến mất.
Thêm vào đó, học tập theo những tấm gương sáng về hạnh nhẫn nhục cũng giúp cho chúng ta nuôi lớn sức mạnh nhẫn nhục của mình, nhờ vậy mà có thêm năng lượng để làm chủ và chuyển hóa sự tức giận của mình. Nếu là người Phật tử thì Đức Phật và các vị Bồ tát là những tấm gương nhẫn nhục sáng ngời để cho chúng ta noi theo. Trong một câu chuyện tiền thân của Đức Phật, lúc đó Ngài là tiên nhân Sằn Đề, dù bị vua Ca Lợi cắt da, xẻo thịt, chặt hết tay chân nhưng tiên nhân vẫn an nhẫn, vẫn không chút giận hờn. Chính lòng từ nhẫn này mà tiên nhân Sằn Đề đã cảm hóa được vua Ca Lợi, đưa vua trở về với chánh đạo. Và còn rất nhiều những mẩu chuyện, những tấm gương sáng về hạnh nhẫn nhục khác nữa, rất đáng để chúng ta học tập.
Dù có nhiều biện pháp để điều phục và chuyển hóa cơn giận, nhưng chúng ta không thể nào bỏ qua sự thực tập chánh niệm được. Nhờ có chánh niệm chúng ta mới đủ tỉnh giác để nhận diện cơn giận của mình, nhờ có chánh niệm chúng ta mới làm chủ được cơn giận, mới biết cách ôm cơn giận vào lòng với tâm từ ái. Chánh niệm soi sáng cho chúng ta trong quá trình tu tập hạnh nhẫn nhục và tâm từ bi. Nếu thiếu chánh niệm thì chúng ta khó lòng chuyển hóa được hạt giống giận hờn ở trong tâm thức của mình. Để nuôi lớn năng lượng chánh niệm của mình, chúng ta cần phải thực tập thường xuyên và liên tục. Chúng ta có thể dùng phép đếm hơi thở để duy trì sự chánh niệm, cũng có thể dùng danh hiệu Phật hoặc danh hiệu Bồ tát để duy trì chánh niệm,… Mỗi người hãy chọn cho mình một phương pháp thích hợp để tu tập chánh niệm.
Như vậy, mặc dù giận là một hạt giống tiềm tàng ở trong tâm thức của tất cả chúng ta, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể điều phục và chuyển hóa nó nhờ vào những pháp tu mà Đức Phật đã chỉ dạy. Không một ai trong chúng ta muốn khổ đau, vì thế chúng ta đừng để cho cơn giận thiêu đốt bản thân mình và gây đau khổ cho người khác. Cầu mong mọi người đủ tỉnh giác để nhận diện và chuyển hóa cơn giận của mình.
Bà Ritt Rjerregaard, ( thị trưởng thành phố Copenhagen phát biểu tại Hội nghị )
—————
(1) Bupa (2008). Anger management. http://hcd2.bupa.co.uk/fact_sheets/html/managing_anger.html
(2) Michael Kent. Anger. The Oxford Dictionary of Sports Science & Medicine, Oxford University Press.
(3) Michel Hersen (executive editor) (2002). Encyclopedia of Psychotherapy. Volumn I, Elsevier Science (USA), p. 41.
(4) Bonnie Strickland (executive editor) (2001). The Gale Encyclopedia of Psychology. 2nd edition, Gale Group, p.45.
(5) Arthur S. R., Emily S. R. (2001). Dictionary of Psychology. Penguin Reference, New Delhi, p. 35.
* Tài liệu tham khảo
1. Arthur S. R., Emily S. R. (2001). Dictionary of Psychology. Penguin Reference, New Delhi.
2. Bonnie Strickland (executive editor) (2001). The Gale Encyclopedia of Psychology. 2nd edition, Gale Group.
3. Bupa (2008). Anger management. http://hcd2.bupa.co.uk.
4. Clayton E. Tucker-Ladd (2004). Psychological self-help, chapter 7: Anger and Aggression. The Self-help Foundation.
5. Geshe Tashi Tsering (2006). Buddhist Psychology: the foundation of Buddhist thought. Volumn 3, Wisdom Publications, Boston.
6. Madlow, L. (1972). Anger: How to recognize and cope with it. New York: Schribners.
7. Michael Kent. Anger. The Oxford Dictionary of Sports Science & Medicine, Oxford University Press.
8. Michel Hersen (executive editor) (2002), Encyclopedia of Psychotherapy. Volumn I, Elsevier Science (USA).
9. Pema Chodron. The Answer to Anger & Aggression is Patience. www.shambhalasun.com.
10. Thubten Chodron (2001). Working with anger. Snow Lion Publications, Canada.
11. HT. Thích Nhất Hạnh dịch. Kinh Diệt trừ phiền giận, Trung A Hàm, Kinh thứ 25.