Ai có thể sống sót nếu hệ sinh thái bị hủy diệt? Đây là câu hỏi phải được giải đáp và truyền đạt đến mọi cư dân trên trái đất. Sự biến đổi khí hậu và môi sinh có ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế, đạo đức xã hội, làm ảnh hưởng đến đời sống lành mạnh và hòa hợp trên hành tinh nầy
Sự biến đổi nhanh chóng của khí hậu đang là điều đáng kinh sợ cho toàn thể nhân loại. Lúc đầu, do thiếu hiểu biết, chúng ta chỉ muốn phủ nhận khả năng hiện hữu của nó. Sự đe dọa của các thiên tai trên phạm vi toàn cầu đang có nguy cơ tăng lên mỗi ngày. Một trong những thảm họa do con người gây ra là sự hủy hoại hệ sinh thái tự nhiên của hành tinh. Nếu một giải pháp khôn ngoan nào đó không được áp dụng ngay, thì vấn nạn này coi như là sự đe dọa to lớn hơn cả nạn khủng bố và chiến tranh hạt nhân.
Vấn nạn khí hậu
Cụm từ “biến đổi khí hậu” theo từ điển có nghĩa là sự thay đổi các cấu trúc thời tiết trên địa cầu. Sự biến đổi lâu dài của các vùng khí hậu, đặc biệt là sự gia tăng nhiệt độ và các hoạt động của gió bão được coi như là hệ quả tiềm ẩn của hiệu ứng nhà kính. Tuy nhiên, thực tế cho thấy vấn nạn này có tính phức tạp và có ý nghĩa lớn hơn đối với tất cả sự sống trên trái đất cũng như đối với mọi sinh vật và thế giới tự nhiên. Các nhà khoa học cảnh báo chúng ta rằng: Sự biến đổi khí hậu, như là sự nóng dần lên của địa cầu, báo hiệu thời tiết khắc nghiệt sắp diễn ra. Ngày càng có nhiều trận mưa a-xít và các cơn đại hồng thủy, châm ngòi cho sự hủy diệt các chủng loài trên khắp hành tinh. Các sự cố như động đất, bão tố, hạn hán, đói kém và các bệnh truyền nhiễm sẽ tăng lên rất nhiều. Chứng cứ đầu tiên của sự biến đổi khí hậu là sự gia tăng các luồng không khí và nhiệt độ đại dương, sự tan chảy lan rộng của băng tuyết hai cực và sự gia tăng mực nước biển, những điều đó đang là sự đe dọa không còn gì nghi ngờ và không lối thoát cho môi sinh của chúng ta.
Thảm họa môi trường tiếp tục tăng lên trước tham vọng của con người, khi mà các chính phủ khác nhau trên thế giới đang hăng say phấn đấu bằng mọi giá để cạnh tranh tăng trưởng kinh tế. Đối với đời sống tự nhiên thì nền văn hóa tiêu dùng đang chứng tỏ là một trong những thủ phạm chính. Các hoạt động của con người như phá rừng và công nghiệp hóa đang gia tăng sự đe dọa vì làm cô đặc các loại khí nhà kính.
Phật giáo và hệ sinh thái
Phật giáo là tôn giáo hướng dẫn con người đến lối sống lành mạnh, nên khi đối diện với những thách thức, Phật giáo hiến tặng cho chúng ta các giải pháp hữu hiệu bằng hình ảnh của sự giản đơn và tính khả dĩ cho vấn đề. Ngày nay đa số các nhà Môi trường học và các nhà trí thức coi Phật giáo là tôn giáo của môi sinh, rất sâu sắc trong khi tìm kiếm giải pháp để chấm dứt sự khai thác có chủ định các nguồn tài nguyên của hành tinh. Một trong những mặt nổi bật của Phật giáo là làm tiên phong trong việc nhấn mạnh vào mối liên hệ của con người với thiên nhiên.
Loài người chúng ta đang bị sức ép quá tải bất khả kháng về các nguồn tài nguyên thiên nhiên chỉ vì lòng tham không đáy đối với hàng hóa,… Nào là xe hơi, máy móc giải trí và các sản phẩm điện tử, quần áo thời trang và các đồ trang sức trong đời sống hàng ngày. Kỹ thuật đang làm cho đời sống trên hành tinh phức tạp hơn nhiều, do con người luôn truy tìm và mắc kẹt vào các trò chơi điện tử như: điện thoại, máy vi tính và truyền hình. Xã hội tiêu dùng đã nhắm trúng lòng tham và kiểm soát hành vi của con người, bằng cách làm gia tăng các đòi hỏi đối với những sản phẩm tiêu dùng vô bổ.
Chủ nghĩa tiêu dùng và biến đổi khí hậu
Người ta có khuynh hướng mua các sản phẩm tiêu dùng. Trong nền văn hóa mua sắm, nơi mà sự mua sắm nối kết với lòng kiêu hãnh, sự thỏa mãn là hạnh phúc, chẳng cần hỏi xem sự mua sắm đó có cần thiết và hữu dụng không, đời sống có vẻ hạ thấp thành việc đi mua sắm. Sự cân bằng lành mạnh giữa các nguồn tài nguyên có sẵn và việc sử dụng chúng một cách khôn ngoan là nhu cầu bức thiết lúc này, và sự cân bằng này có thể thiết lập được bằng cách áp dụng các “giới luật” của Phật giáo trong đời sống giản dị và tri túc. Các nguyên lý của đạo Phật về lòng từ bi đối với muôn loài và chính vấn đề bất bạo động đối với mọi sinh linh, ngay cả đối với núi, sông, cỏ cây và súc vật, có thể là giải pháp hiệu quả để ngưng lại việc tàn phá môi trường sinh thái.
Tuy nhiên, trong chiều hướng ngày càng gia tăng của chủ nghĩa tiêu dùng hiện nay, không có gì bất thường khi thấy một người dùng tới ba chiếc điện thoại di động để tỏ ra mình hợp thời trang. Một gia đình có nhiều tivi và máy lạnh cho các phòng riêng và một nhà có trên ba chiếc xe hơi. Sự say mê đối với hàng hóa, vật chất đã vô tình dẫn tới sự khai thác cạn kiệt các tài nguyên thiên nhiên. Người tiêu dùng dường như không tự hỏi trước khi mua sắm xem các hành động của họ có ảnh hưởng tới môi trường không, họ đang góp phần vào việc làm mất cân bằng sinh thái ra sao, và họ dần dần góp phần phá hoại môi sinh không chỉ đối với chính họ mà luôn cả các thế hệ mai sau.
Kinh Tăng Chi kể chuyện một người núp dưới tán cây sung để ăn trái của nó, rồi bẻ cành bỏ đi, một thần linh sống trong cây đó nghĩ: “Kỳ lạ quá! Ngạc nhiên quá! Cái ông kia ác quá! Ăn no rồi còn phá hoại. Nếu như cây không có trái nữa thì còn đâu mà ăn”.
Giải pháp của Phật giáo
Trong nhịp điệu hối hả của cuộc sống hiện nay, việc sử dụng các nguồn tài nguyên một cách thiếu ý thức đang là vấn đề cấp bách cần phải giải quyết. Phật giáo cống hiến vài giải pháp hữu hiệu, như là: Sống đời sống giản dị, nuôi dưỡng lòng từ đối với muôn loài, không đốt phá rừng,… Đó chính là những giải pháp cần được áp dụng để hạn chế sự biến đổi khí hậu. Thách thức là sự đối phó với văn hóa tiêu dùng, làm sao để điều chỉnh các chính sách của các quốc gia. Sự nhấn mạnh quá mức về việc phát triển kinh tế mà quên đi sự giáo dục đạo đức, ý thức bảo vệ môi sinh cũng là một thách thức lớn. Nhiều Phật tử đang phải đối mặt với sự tức giận của nhà cầm quyền khi họ chống lại chủ nghĩa tiêu dùng của nhà cầm quyền.
Các đề nghị về môi trường của Phật giáo có thể khó được chấp nhận trong một thế giới tiêu thụ vật chất. Ngay sau khi kế hoạch phát triển kinh tế đầu tiên của Thái Lan được phác thảo, chính quyền Bangkok đã bắt giam nhiều nhà sư Phật giáo, vì các sư dạy họ sống tri túc. Các nhà cầm quyền sợ rằng, lý tưởng này của Phật giáo sẽ gây trở ngại cho sự phát triển kinh tế của họ. Các trung tâm kinh tế mới theo xu hướng toàn cầu hóa và khoa kinh tế học lo ngại về vấn đề tín ngưỡng. Vì Phật giáo luôn nhắc tín đồ về những gì là giá trị cốt lõi, hướng dẫn con người sống tri túc, biết chia sẻ với người khác. Người học Phật thấy rõ rằng, sự tiêu thụ của mình làm tổn thương các sinh linh khác trong hành tinh, và vì phá hoại môi trường khiến cho môi trường sinh thái bị biến dạng. Vì thế chúng ta cần phải giữ gìn sự cân bằng giữa con người và thiên nhiên.
Nhiều thế kỷ qua, nhân loại đã luôn hăng say tìm cách kiểm soát và khai thác tài nguyên thiên nhiên, họ quên mất là họ đang tàn phá hành tinh nơi họ sống. Chúng ta cần bày tỏ từ tâm đối với trái đất. Đã từ lâu các nhà lãnh đạo Phật giáo luôn coi các vấn đề môi trường là một trong số các thách thức chính mà loài người phải đối mặt.
Nhà lãnh đạo tinh thần Tây Tạng được giải thưởng Nobel Hòa bình, Đức Đạt-lai Lạt-ma, đã luôn bày tỏ lòng từ bi cho hành tinh và cho chúng sinh. Khoảng đầu năm 1986 khi sự biến đổi khí hậu còn chưa được nghe nói, Ngài đã nhắc rằng: “Nền hòa bình và sự sống trên trái đất, như chúng ta đã biết, đang bị đe dọa bởi các hoạt động của con người. Những hành động thiếu sự cống hiến đối với các giá trị nhân đạo, như việc phá hoại thiên nhiên và các tài nguyên là do si mê, tham lam và thiếu tôn trọng đối với các sinh linh trên trái đất”.
Theo như ý nghĩa hiện nay, nhận thức về mối nguy hiểm đối với sự biến đổi khí hậu cần được truyền thông cho mọi người ý thức rõ. Tất nhiên, tôn giáo có thể giúp truyền tải nhận thức này đến với mọi người. Phật giáo và các Phật tử có thể đóng vai trò chủ động. Khơi nguồn cho nền hòa bình và tâm từ bi của thế giới, Đức Đạt-lai Lạt-ma thúc đẩy hành động, nhấn mạnh sự thay đổi thái độ đối với thiên nhiên.
Có rất nhiều thống khổ trên hành tinh này, do đó sự tăng trưởng tình thương yêu và sự phục vụ của chúng ta đối với trái đất là góp phần cải thiện môi trường sinh thái. Chúng ta rất sai lầm khi tưởng là có thể kiểm soát được thiên nhiên, Ngài nói, hành tinh này là nhà của chúng ta; chăm sóc thế giới, hành tinh của chúng ta chính là chăm sóc ngôi nhà của chúng ta. Đời sống của chính chúng ta lệ thuộc vào “trái đất” này – môi sinh của chúng ta.
Tính tương quan
“Tương quan” là từ chính mà Phật giáo hiến tặng để cứu môi trường. Tính tương quan của môi trường sống là điều mà Phật tử cần ý thức rõ. Sự hiện hữu của mọi vật trên trái đất là lệ thuộc vào nhau, không ngoại trừ ai. Chấp vào ý nghĩ về sự hiện hữu riêng biệt là không thực tế. Quan điểm của Phật giáo về tính tương quan phải được truyền thông khắp thế giới, và mỗi cá nhân cần được cho biết về trách nhiệm của họ đối với xã hội và thiên nhiên.
Tôn trọng thiên thiên là thái độ quan trọng trong triết lý và thế giới quan của Phật giáo, bởi vấn đề biến đổi khí hậu ngày càng trở nên nghiêm trọng và đe dọa đời sống của mọi loài. Thế giới hướng về Phật giáo để tìm cảm hứng cho các giải pháp. Phật giáo thường được nhiều người biết đến như là một tôn giáo thân thiện với môi trường, vì Phật giáo đề cao sự bảo vệ môi trường, tôn trọng sự sống. Phật giáo nhấn mạnh sự hòa hợp cần thiết giữa nhân loại và thế giới tự nhiên. Điều làm cho Phật giáo “xanh” chính là nhân sinh quan của Phật giáo. Sự liên hệ đích thực của tôn giáo với ý tưởng môi trường được tìm thấy trong các kinh điển nói về “giới đức”. Các đức tính như: Từ bi, bình đẳng và nhân ái là tính cách của mỗi cá nhân có đời sống tâm linh sáng suốt.
Nâng cao ý thức
Ngày nay đang có sự tăng lên về ý thức trách nhiệm trong số các học giả và các nhà môi sinh biết tu học theo Phật giáo. Họ biết tôn trọng trái đất và tiềm lực của nó. Đức Phật dạy, chúng ta tôn trọng đời sống trên trái đất cũng như tôn trọng tất cả mọi sinh linh và môi trường thiên nhiên. Cuộc đời Ngài luôn sống hòa mình với thiên nhiên.
Các bản kinh về cuộc đời Đức Phật luôn được thiên nhiên tô điểm. Khi Ngài bước những bước đầu tiên, hoa sen bừng nở, trong thời niên thiếu Ngài đã tọa thiền dưới tán cây hồng táo. Ngài chứng đạo ngay dưới gốc cây bồ đề – một loại cây rất thiêng liêng đối với tín đồ Ấn giáo và Kỳ-na giáo, khi Ngài nhập diệt thì hoa Sa-la nở rộ.
Phật giáo nhấn mạnh sự quan trọng của thiên nhiên đối với mọi sinh linh. Các kinh sách Phật giáo ngày nay có mối quan tâm về thế giới tự nhiên. Trong một bản kinh Đức Phật dạy từ rất sớm có nói rằng: “Các vị có biết rằng cỏ cây, sâu bọ, mối và các loài kiến, các vị có biết rằng ngay cả các loài vật bốn chân, to nhỏ khác nhau và rắn, cá, chim,… đều có những đặc điểm riêng của chúng và các chủng loại của chúng rất là đông”.
Thiền và thế giới tự nhiên
Hiện nay, các học giả đang quan tâm nhiều đến triết lý và các nguyên tắc của Phật giáo về lòng từ bi, sự giản dị, lòng bao dung, sự tri túc và tinh thần hòa nhập với thiên nhiên và các sinh vật. Phật giáo tỏ ra khá hữu hiệu trong việc truyền tải thông điệp về vai trò của môi trường sinh thái và sự biến đổi khí hậu đến với mọi người.
Vấn đề môi trường đã được Phật giáo Đại thừa nhận thức rõ từ rất lâu, bao gồm cây cối, núi non, sông ngòi, nhưng mãi đến sau này các nhà Sinh thái học mới ý thức rõ về vấn đề này. Thiền tỏ ra là một niềm cảm hứng quan trọng cho những người quan tâm đến môi sinh, đặc biệt đối với những ai hướng tầm nhìn vào màu xanh của cầu vồng ở hai cực trái đất. Lịch sử đã chứng tỏ sự tôn trọng môi sinh một cách đúng đắn của Phật giáo. Sự thật là một số các vị thiền sư đã tiến xa trong việc cho rằng, không chỉ loài người mà cả thế giới tự nhiên đều có Phật tính, kể cả các sinh vật và cỏ cây.
Kết luận
Trong các văn bản hiện nay, Phật giáo và các Phật tử khắp thế giới có thể góp phần truyền tải các ý tưởng được tàng trữ trong giáo lý của Đức Phật để giúp mọi người hiểu rõ hơn thiên nhiên xung quanh ta, bao gồm cây cối và động vật. Ý thức và trách nhiệm về sinh thái không thể tách rời khỏi con người biết cảm nhận và hiểu biết. Cảm nhận về mình và thế giới xung quanh mình, cây cối, sông, núi, rừng, chim muông, súc vật, cá,… là giải pháp mà Phật giáo có thể đánh thức mọi người về lý tưởng của một đời sống giản dị và về tâm từ bi. Tinh thần trách nhiệm đối với xã hội, đối với tự nhiên phải được tạo lập trong cuộc sống và âm vang của từ “sinh thái” trong lối sống lành mạnh có thể thúc đẩy chúng ta chăm sóc cho thiên nhiên, như Thiền sư Nhất Hạnh đã nói: “Chúng ta phân loại động vật và thực vật như là một phần của tự nhiên, như thể chúng không phải là thành phần của nó. Rồi chúng ta lại nêu câu hỏi: Chúng ta đối xử với thiên nhiên ra sao? Chúng ta phải đối xử với thiên nhiên như cách chúng ta tự đối xử với mình. Chúng ta không được làm hại thiên nhiên. Vì con người và thiên nhiên không thể tách rời”.
MANPREET SIGH Diệu Thủy – Đặng Thị Hồng dịch