No comments yet

Thắp sáng đèn xưa

(PGVN) Thiền sư Hương Hải một đời vì đạo pháp. Trải qua bao khó khăn, nhưng ngài đều quyết chí vượt qua. Bị vua chúa hiềm nghi hay được tôn trọng, ngài vẫn một mực chuyên tu và làm Phật sự, không hề bị chi phối, luôn luôn nghĩ đến tiền đồ Phật pháp.

I. Sơ lược tiểu sử thiền sư hương hải

Thiền sư Hương Hải (1628 – 1715) là vị Thiền sư Việt Nam thời Hậu Lê. Ở đời thường gọi Ngài là Tổ Cầu. Sư và Thiền sư Chân Nguyên là hai vị đi đầu trong công cuộc phục hưng Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử trong khoảng thế kỷ 18.

Tổ tiên Sư ở Làng Áng Độ, huyện Chân Phúc. Nay là huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Tổ bốn đời của Sư theo Đoan Quốc công Nguyễn Hoàng vào trấn Quảng Nam. Được vua Lê Anh Tông phong cho ông hiệu Khởi Nghĩa Kiệt Tiết Công Thần, cấp 30 mẫu ruộng và con cháu được thế lập.

Sư sinh năm Mậu Thìn (1628), sống ở làng Bình An Thượng, thuộc Phủ Thăng Hoa (nay thuộc tỉnh Quảng Nam). Thuở nhỏ thông minh, hiếu học. Năm 18 tuổi đỗ Hương tiến (cử nhân), được bổ vào làm Văn chức trong phủ chúa Nguyễn Phúc Lan (ở ngôi 1635 – 1648). Năm 1652, được bổ làm Tri phủ Triệu Phong (nay thuộc tỉnh Quảng Trị).

Năm 25 tuổi, vì hâm mộ Phật pháp nên Sư tìm đến học đạo với một vị Thiền sư đến từ Trung Hoa là Lục Hồ Viên Cảnh, được đặt pháp danh là Huyền Cơ Thiện Giác, pháp tự Minh Châu Hương Hải. Sau, Sư tìm đến Thiền sư Đại Thâm Viên Khoan để tham học.

Hơn ba năm sau, Sư từ quan xin xuất gia, dong thuyền ra biển Nam Hải, trụ trên ngọn núi Tim Bút La cất ba gian nhà tranh ở tu. Nơi vị trí nhà tranh này về sau xây dựng thành chùa Hải Tạng. Đến năm Tự Đức thứ 1 (1848), chùa đã được di dời sang chỗ khác, cách vị trí cũ khoảng hơn 1km. Nay thuộc cụm đảo Cù Lao Chàm, xã đảo Tân Hiệp, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam.

Sư ở đây chuyên tu thiền định, giới luật tinh nghiêm, trải qua nhiều chướng duyên của ngoại ma, có khá nhiều câu chuyện linh dị. Sau, Chúa Nguyễn Phúc Tần (còn gọi là Chúa Hiền) nghe danh nên sai sứ ra đảo mời Sư về.

Trước đó, trên núi Qui Kính (núi Cổ Rùa) có một tháp cổ Chăm-pa nằm ở vai Rùa. Chúa Hiền cho dời xuống vị trí lưng Rùa và đem tượng Chăm-pa thờ vào trong tháp, do đó mọi người thường gọi tháp này là: “Cốt Chăm bì Việt” (bên trong thì thờ tượng Chăm-pa mà bên ngoài thì tháp Việt). Sau đó, Chúa Hiền (Nguyễn Phúc Tần) cho xây dựng chùa Vinh Hòa trên vị trí cũ của Tháp cổ vừa mới được di dời. Khi Thiền sư Hương Hải đến, Chúa Hiền thỉnh Sư trụ trì ngôi chùa này.

Trong ngữ lục thì ghi lại, Chúa Hiền cho “sai quan đón (Thiền sư Hương Hải) ra lập chùa trên núi Quy Kính gọi là Thiền Tịnh Viện”. Núi này như một quả đồi nhỏ, hiện tại khảo cứu thì chỉ thấy có dấu vết một ngôi chùa. Có thể khi đến, ngài đã lập một khu vực phương trượng để ở, trực thuộc trong quần thể chùa Vinh Hòa và đặt tên là Thiền Tịnh Viện, chứ không phải có một tự viện riêng.

Đến đời vua Minh Mạng đổi tên núi Quy Kính thành Linh Thái. Đổi tên chùa Vinh Hòa thành chùa Trấn Hải. Bởi đây là nơi trọng yếu quốc phòng ngay cửa biển Tư Dung (nay là Tư Hiền), thường có lính triều đình canh gác. Sư trụ trì giáo hóa ở đây rất thịnh hành. Quan quân đến học đạo quy y hơn 1.200 vị.

Thời ấy đất nước bị phân hai. Đàng Ngoài là Chúa Trịnh, vua Lê; Đàng Trong là Chúa Nguyễn. Sau có quan Thị nội giám của Chúa Trịnh là Gia Quận Công tòng quân vào đánh Thuận Hóa bị Chúa Nguyễn Phúc Tần bắt được. Nhưng tha cho và được ở lại Thuận Hóa, ban lương tháng để ra vào trong phủ dạy học nội cung.

Vị quan này vì mộ đạo và kính trọng đạo đức của Sư nên thường lui tới chùa Vinh Hòa đàm đạo. Cứ dần dà như thế qua thời gian khá lâu cho nên bị người ngoại đạo dèm pha, tâu lên Chúa Hiền vu khống cho là Sư có âm mưu với Gia Quận Công để che chở cho Sư trở về với Chúa Trịnh.

Chúa Hiền sai bắt Sư và Gia Quận Công giao cho quan tra khảo hơn bảy ngày mà không thấy có bằng chứng gì. Chúa Hiền cho là tình ngay mà lý gian nên ra lệnh cho Sư trở về lại Quảng Nam. Từ nhân duyên ấy, Sư bắt đầu cùng hơn năm mươi đồ đệ quyết chí ra Bắc. Lúc này là năm 1682, Sư được 55 tuổi.

Khi mới đến Bắc Hà, Thiền sư Hương Hải phải đối diện với sự nghi kỵ của Phủ Chúa và tầng lớp quan lại. Mấy tháng sau thì Chúa Trịnh Tạc mất, Trịnh Căn lên nắm quyền. Từ đây Sư mới bắt đầu được ổn định và tùy duyên tu hành, hoằng hóa, biên dịch Kinh Luận.

Cho đến cuối năm Canh Thìn (1700), lúc này Sư đã ngoài 70 tuổi mới về trụ trì chùa Nguyệt Đường ở Hưng Yên. Sư tùy duyên giảng dạy đồ chúng và sự hoằng hóa của Sư bắt đầu hưng thịnh.

Đến năm 1715, Sư dặn dò đệ tử, nói kệ xong, ngồi kiết già thị tịch, thọ 88 tuổi.

II. Thiền sư Hương Hải là vị thiền sư phục hưng Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử trong khoảng thế kỷ 18

Trước thế kỷ 17, tức là trước thời ngài Nguyên Thiều Siêu Bạch, đã có phái thiền của Tông Lâm Tế thuộc dòng Trí Bản Đột Không từ Trung Hoa truyền sang miền Trung Việt Nam. Dòng này có bài kệ.

Trí tuệ thanh tịnh, 

Đạo đức viên minh. 

Chân như tánh hải, 

Tịch chiếu phổ thông. 

Chữ “VIÊN” chính là ngài Viên Cảnh và ngài Viên Khoan, là thầy của Thiền sư Hương Hải. Hai ngài này giáo hóa ở vùng Quảng Trị. Cùng thời có ngài Viên Văn Chuyết Chuyết (Hòa thượng Chuyết Công) sang Việt Nam trước và giáo hóa ở Quảng Nam.

Năm 1633 ngài ra Bắc ở chùa Bút Tháp giáo hóa và để lại nhục thân hiện vẫn còn tại chùa Phật Tích, Bắc Ninh. Còn dòng Lâm Tế phái ngài Nguyên Thiều Siêu Bạch ở Trung Hoa là xuất phát từ chùa Báo Tư và truyền sang Việt Nam sau phái Trí Bản Đột Không.

 

Khi vua Trần Nhân Tông gả công chúa Huyền Trân cho vua Chiêm là Chế Mân và vua Chiêm đã dâng hai châu Ô Lý làm sính lễ. Hai châu này ngày nay chính là vùng đất Thuận Hóa. Đến năm 1306 bắt đầu di dân vào. Dân đi đến đâu thì tín ngưỡng theo đến đó. Mà tín ngưỡng tôn giáo lúc bấy giờ chính là Phật giáo Trúc Lâm hay còn gọi là Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.

Bởi lúc này Phật giáo Trúc Lâm đã là Quốc giáo. Nhưng đến thời Thiền sư Hương Hải thì sự truyền thừa của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử ở Đàng Trong gần như không còn. Do đó, Thiền sư Hương Hải cũng không được trực tiếp ấn chứng truyền tâm từ một vị Thiền sư nào của phái Trúc Lâm.

 

Như vậy, Thiền sư Hương Hải được xuất gia với Ngài Viên Cảnh, học đạo nơi Ngài Viên Khoan. Hai vị này thuộc dòng thiền Lâm Tế, phái Trí Bản Đột Không từ Trung Hoa sang Việt Nam hoằng hóa. Cho nên trên lý thuyết thì ngài là đệ tử của tông Lâm Tế. Nhưng trên thực tế thì ngài lại được xem là vị Thiền sư phục hưng Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử là do tư tưởng, do sự thể hội tông chỉ thiền Trúc Lâm Yên Tử của ngài.

Một tư tưởng dễ nhận ra là Việt hóa. Cụ thể là trong các tác phẩm, ngài dùng chữ Nôm (chữ của Việt Nam thời ấy) nhiều hơn là chữ Hán. Ngài cũng đã dịch nhiều Kinh Luận sang chữ Nôm và chú giải. Giống với tinh thần Phật giáo đời Trần là một dòng thiền thuần Việt. Các sáng tác của chư vị Thiền sư lúc ấy có rất nhiều bản dùng chữ Nôm.

Và điều quan trọng nhất cho chúng ta thấy rõ Thiền sư Hương Hải là người phục hưng Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử vẫn là tông chỉ. Chúng ta có thể nhận ra tông chỉ, chủ trương của ngài thể hiện khá rõ qua bài kệ Sư dạy cho vua Lê Dụ Tông:

 

Phản văn tự kỷ mỗi thường quan,

Thẩm sát tư duy tử tế khan.

Mạc giáo mộng trung tầm tri thức,

Tương lai diện thượng đổ sư nhan.

 

Hằng ngày xem lại chính nơi mình,

Xét nét kỹ càng chớ dễ khinh.

Trong mộng tìm chi người tri thức,

Mặt thầy sẽ thấy trên mặt mình.

Tông chỉ của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử là: “Phản quan tự kỷ bổn phận sự, bất tùng tha đắc”. “Xoay lại chính mình, không từ bên ngoài mà được”. “Chính mình” là chân tâm, Phật tánh nơi mỗi người.

Có nghĩa là hành giả khéo xoay lại, nhận ra và sống cho được bằng tánh Phật nơi chính mình. Trong bài kệ trên, Thiền sư Hương Hải đã nói: “Hằng ngày xem lại chính nơi mình”, không tìm bất kỳ điều gì bên ngoài. Và cuối cùng là: “Mặt thầy sẽ thấy trên mặt mình”.

Có nghĩa, tự tánh mình là bậc thầy chân thật của chính mình. Tông chỉ “Xoay lại chính mình để ngộ tâm, sống trọn vẹn bằng tự tánh” của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đã được Thiền sư Hương Hải nêu rất rõ trong một bài kệ.

Đọc Ngữ Lục của Ngài, chúng ta sẽ nhận ra khá rõ nhiều đặc điểm Thiền tông đời Trần như là tính chỉ thẳng, thi vị, tùy duyên, vô tâm… trong các lời Ngài khai thị chúng. Cho thấy, ngài là vị Thiền sư thể hội, xiển dương và khôi phục Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử thời bấy giờ.

 

III. Sự trùng hợp ngẫu nhiên giữa hai vị thiền sư khôi phục Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử

Không biết phải nói thế nào cho đúng, bởi một kỳ duyên đặc biệt. Rất vô tình, nhưng nhân duyên khôi phục Thiền tông đời Trần của hai vị Thiền sư ở hai thời đại cách xa nhau lại ngẫu nhiên trùng hợp ở nhiều điểm quan trọng.

1. Ra đời trong thời điểm Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử gần như vắng bóng, nhưng lại có tâm nguyện muốn phục hưng thiền phái này

Thiền sư Hương Hải ra đời ở Thế kỷ 17-18. Hòa thượng Thiền sư Thích Thanh Từ ra đời vào thế kỷ 20-21. Hai khoảng thời gian này Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử gần như vắng bóng, không còn người hiểu rõ và có niềm tin vào việc tu thiền. Nhưng hai ngài đều có chung một tâm nguyện muốn khôi phục, làm sống dậy Thiền tông đời Trần.

2. Xuất gia theo thầy của Tông Lâm Tế, nhưng lại tỏ ngộ và phục hưng dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử

Thiền sư Hương Hải xuất gia với ngài Viên Cảnh, học đạo với ngài Viên Khoan. Hai vị này đều thuộc dòng Lâm Tế. Nhưng khi ra giáo hóa thì Thiền sư Hương Hải lại xiển dương Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.

Một điều trùng hợp ngẫu nhiên, Hòa thượng Thiền sư Thích Thanh Từ xuất gia với cố Hòa thượng Thích Thiện Hoa, vốn là đệ tử của Tổ Khánh Anh từ Quảng Ngãi vào miền Nam giáo hóa. Tổ Khánh Anh là vị nối dòng thiền Lâm Tế Chúc Thánh tại miền Trung. Thế nhưng, do túc duyên đã thôi thúc khiến cho chính Hòa thượng Thiền sư Thích Thanh Từ cũng không biết vì sao ngay từ khi mới xuất gia, ngài đã muốn tu thiền và khôi phục Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.

Cụ thể ngài đã tự tìm tòi đọc học thiền trong Kinh Luận, quyết tâm nhập thất chuyên tu, tỏ ngộ thiền tâm. Trên trí giác đó làm căn bản, ngài đã biên soạn và dịch Kinh Luận, đặc biệt là các tác phẩm thiền Việt Nam để giảng dạy cho tăng ni và phật tử. Từ đó, nhiều vị hiểu được thiền và hướng về tu tập.

 

Có lần trong buổi nói chuyện tại Viện nghiên cứu Hán Nôm, Hòa thượng Thiền sư Thích Thanh Từ đã nêu một ví dụ về việc nối nắm mạng mạch tông phong thiền:

“Như có người con cháu trong một dòng họ nọ đang nắm giữ viên ngọc của tổ tiên mình truyền lại trong gia phả thì họ biết rất rõ và không còn nghi ngờ gì cả. Người ngoài nghe vậy rồi muốn biết có đúng như thế không, nên phải truy tìm trong sử liệu hay bằng nhiều phương thức khác nhau để xác định giá trị, nguồn gốc viên ngọc.

Như là: Thế hệ đầu tiên vào niên đại nào? Ai giữ, ở đâu? Và đã truyền cho thế hệ kế tiếp như thế nào… Nếu dữ kiện không rõ ràng hay đã bị thất lạc, người ta sẽ mất đi phương hướng và hoài nghi… Tương tự, Thiền tông cũng có viên ngọc trong gia phả, nhưng lại không giống viên ngọc thế gian, nó là “Ngọc bảo châu vô tướng”.

Ai đã nhận ra nó thì không còn nghi ngờ. Nếu còn đi tìm thì sẽ càng hoài nghi. Như Thiền sư Huyền Giác đã nói: “Còn tìm liền biết anh chưa thấy!”. Đây là tâm trạng của người bên ngoài.”

 

Người đang nắm chắc hòn ngọc trong tay, chính là hành giả thiền môn thực chứng. Dù ở tại gia hay đã xuất gia, họ chỉ tùy nghi thọ dụng, tùy ý tiêu dùng, không còn hồ nghi là có hay không, phải cùng chẳng phải. Hành giả ngộ đạo, thực chứng, nắm chắc viên ngọc “Ma ni bảo châu vô tướng” trong tay tức là khế với tâm tông của Phật Tổ, của vị thầy truyền thừa. Đây cũng chính đích thực là nghĩa được “truyền tâm, ấn tâm” trong nhà thiền.

Hai ngài sống vào hai thời đại cách xa nhau, nhưng lại trùng hợp nhân duyên thật bất ngờ. Sinh ra đời trong bối cảnh Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử gần như vắng bóng, không còn người chính thức truyền thừa. Cho nên, trên lý thuyết truyền thừa thì hai ngài là đệ tử của Tông Lâm Tế miền Trung Việt Nam. Nhưng trên thực tiễn “ngộ tâm ấn tâm” thì hai ngài cùng tỏ ngộ và xiển dương dòng thiền Việt Nam, Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.

3. Bị chướng duyên nghịch cảnh và đã vượt qua, khôi phục thành công Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử

Thiền sư Hương Hải bị nhiều chướng duyên ngoại ma khi tu, bị những chướng duyên hiểu nhầm khi ra giáo hóa. Nhưng với đạo lực và bản lĩnh của mình, ngài đã chiến thắng ma chướng, vượt qua mọi sự nghi hiềm và khôi phục thành công Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.

Cũng vậy, Hòa thượng Thiền sư Thích Thanh Từ ra đời trong thời điểm không ai biết đến thiền. Có người nói “coi chừng tu thiền sẽ bị điên”, hoặc nói “thiền là quái thai của Phật giáo”. Trước một hoàn cảnh không ai hiểu và thông cảm thiền mà ngài lại tu thiền và khôi phục thiền Việt Nam thì không dễ chút nào.

Trước khi nhiều người biết đến thiền, hiểu và tu tập được, thích thú nghiên cứu thực hành thiền; trước khi chúng ta nhìn thấy được bao nhiêu thành quả hôm nay đang hiện hữu thì Hòa thượng đã phải lặng thầm một mình chịu đựng qua nhiều năm tháng trước vô vàn nghịch cảnh đến từ nhiều phía khó để kể hết.

Tuy nhiên, bằng vào trí tuệ, định lực, nghị lực cộng với phước đức nhân duyên, ngài đã cương nghị, dứt khoát, kiên quyết một đường thẳng tiến và đã khôi phục thành công Thiền tông Việt Nam rực rỡ như ngày hôm nay.

 

4. Việt Hóa

Xưa kia, Thiền sư Hương Hải đã chú trọng dùng chữ Nôm của Việt Nam thời ấy, không chú trọng đến chữ Hán. Ngài dịch nhiều bản Kinh sang chữ Nôm và chú giải, khiến cho nhiều vị đọc học dễ hiểu và rất thích. Thì hiện nay, Hòa thượng Thiền sư Thích Thanh Từ cũng Việt hóa, không lệ thuộc vào chữ Nho.

Ngài đã dịch nhiều bản Kinh, Luận, Thiền sang chữ Việt và giảng giải rõ ràng, sáng sủa khiến cho người học dễ dàng nhận hiểu và ứng dụng tu tập. Các bài Kinh Tụng trong các Thiền viện phần lớn do ngài trích từ trong Ngữ Lục Thiền sư Việt Nam đời Trần, dịch ra chữ Việt và biên tập lại cho chúng đệ tử tụng bằng nghĩa của chữ Việt, không dùng âm Hán văn. Cho đến nhiều lãnh vực văn hóa khác, ngài luôn nhắc chúng đệ tử chú trọng Việt hóa.

 

5. Chú trọng đào tạo chúng đệ tử

Thiền sư Hương Hải chú trọng đến việc đào tạo đệ tử cho nên có nhiều vị nối pháp rất giỏi. Chúng ta có thể thấy rõ điều này qua ưu tư của ngài trước khi đến chùa Nguyệt Đường và những việc làm lúc ngài đến trụ trì tại đây.

Hòa thượng Thiền sư Thích Thanh Từ đã từng nói trong một buổi tham vấn tại Mỹ Quốc: “…Tôi thấy rằng, nếu muốn cho Phật pháp được vững mạnh, bền lâu thì phải có người tu sáng đạo”. Từ cách nhìn như vậy cho nên ngài luôn chú trọng đến việc đào tạo đệ tử. Trong các Thiền viện do ngài hướng dẫn đều có nội viện, có nơi nhập thất chuyên tu.

Nếu đọc trong Thanh Quy của ngài biên soạn, hoặc nhìn kỹ thì sẽ nhận ra điều này. Từ cách tổ chức, giảng dạy, hướng dẫn tu hành cho đến cách làm các Phật sự khác, ngài luôn chú trọng đến việc tu. Đặt việc tu sáng đạo lên hàng đầu, làm chủ đạo trong đời sống tu hành của các thiền sinh tại các Thiền viện.

Đúng với lời ngài đã nói từ trong tâm khảm sâu thẳm của mình: “Muốn cho Phật pháp được vững mạnh, bền lâu thì phải có người tu hành sáng đạo”. Có lần chúng tôi được nghe một vị Tôn đức ở Huế nói với chúng tôi rằng: “Nhiều vị nhìn qua thì thấy Hòa thượng Thanh Từ không biết cách tổ chức. Nhưng kết quả cuối cùng thì dưới ngài có nhiều đệ tử lớn tài giỏi kế thế. Mới biết, ngài là người khéo tổ chức”. 

 

Việc chú trọng đào tạo đệ tử để có người nối nắm mạng mạch Thiền tông của Hòa thượng Thiền sư Thích Thanh Từ đã được chư vị Tôn túc thấy ra. Là vô tình hay hữu duyên mà lại trùng với Thiền sư Hương Hải, ai mà biết được! Việc này chúng ta bắt chước cũng đã khó. Nếu như không có túc duyên, thiếu đạo lực, thiếu trí tuệ và nhân duyên với nhiều người thì làm sao dám nghĩ bắt chước nhau là được.

6. Xiển dương đàng trong, thịnh hành lúc ra đàng ngoài

Thời Ngài Hương Hải đất nước bị chia cắt hai phần. Đàng Trong là chỉ cho phía Nam, Đàng Ngoài là phía Bắc. Thiền sư Hương Hải vốn xuất gia học đạo và giáo hóa thạnh hành, khôi phục Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử tại Đàng Trong (phía Nam; nay là miền Trung).

Nhưng mãi cho đến khi đủ duyên ra Đàng Ngoài (phía Bắc) thì sự hoằng hóa của ngài mới được thuận lợi và phát triển. Chúng ta dễ nhận thấy điều này khi ngài đến trụ trì giáo hóa tại chùa Nguyệt Đường ở Hưng Yên.

 

Cũng vậy, Hòa thượng Thiền sư Thích Thanh Từ cũng xuất gia và hoằng hóa, khôi phục Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử tại miền Nam. Trải từ buổi đầu khó khăn rồi dần dần đến lúc thuận lợi. Chư Tăng Ni và Phật tử hướng về tu tập càng đông. Các thiền viện thuộc Thiền phái Trúc Lâm cũng lần lượt ra đời ở nhiều nơi.

Việc tu tập của các hành giả buổi đầu đã có kết quả nhất định. Nhưng về mặt hoằng truyền thì vẫn còn một điều gì đó như là chưa được đầy đủ trọn vẹn, khiến cho sự phát triển của Thiền phái vẫn còn trong chừng mực. Cho đến khi hội đủ nhân duyên Hòa thượng ra phía Bắc thành lập các Thiền viện thì việc khôi phục và xiển dương Thiền tông Việt Nam của ngài mới hanh thông và phát huy đúng mức.

Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử được nhiều người biết đến, được các giới trí thức và mọi tầng lớp trong xã hội vinh danh. Từ khắp mọi miền đất nước cho đến các nước phương Tây, Thiền viện đều đã được thành lập giúp những vị hữu duyên có nơi quy hướng tu hành. Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử thêm một lần nữa được hồi sinh, sống dậy mạnh mẽ ở thế kỷ 20-21 này.

 

7. Cùng đủ duyên trên mảnh đất thần kinh

Xưa kia, Thiền sư Hương Hải được Chúa Nguyễn Phúc Tần (Chúa Hiền) cho xây dựng chùa Vinh Hòa tại huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế và thỉnh ngài về trụ trì giáo hóa. Hôm nay, Hòa thượng Thiền sư Thích Thanh Từ lại cũng đủ duyên xây dựng Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã cũng tại huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế; trên mảnh đất Thần Kinh giàu truyền thống văn hóa này.

Những điều không hẹn mà lại trùng hợp một cách ngẫu nhiên đến diệu kỳ giữa hai vị Thiền sư sống vào hai thời đại cách xa nhau, nhưng cùng một chí hướng khôi phục Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Chúng tôi không mất nhiều phút để tư duy, liên tưởng rồi lồng ghép những khía cạnh tương tự, cho nên ở đây hoàn toàn không có ý muốn nhắc đến nghĩa tiền kiếp, hậu kiếp của hai ngài là một.

Chỉ là một thoáng tình cờ, đang lúc viết về Thiền sư Hương Hải nhân kỷ niệm 300 năm ngày giỗ của ngài; trong thoáng bất ngờ, bỗng nhiên nhiều điều trùng hợp cùng lúc hiện rõ trong đầu, chúng tôi liền viết ra ngay để chia sẻ cùng quý vị. Để thấy rằng, đến trong chân trời “tự tánh kia”, người người cùng gặp. Loanh quanh bên ngoài, đành phải cách xa mà thôi.

 

IV. Học hiểu Tổ sư qua cách nào?

Một lớp học được cô giáo dẫn bài của nhà văn Nguyễn Khải để ra bài tập về nhà, yêu cầu các em hãy cho biết ý của tác giả muốn nói lên điều gì? Một học sinh trong số đó là con của chính tác giả. Cháu bé đến nhờ bố mình giúp đỡ. Nhà văn Nguyễn Khải nói lên ý nghĩ của mình trong bài văn. Cô giáo không hề biết mình có một học trò là con của nhà văn này.

Sau khi nộp bài, cháu nhận được điểm một với lời nhận xét: “Chưa hiểu ý tác giả”. Là câu chuyện lạ, nhưng có thật và cũng thường có trong đời. Hiện nay chúng ta học hiểu ý của Tổ sư qua cách nào? Ai là người có đủ tư cách để thẩm xét điều này nếu không phải từ sự thể nghiệm, chứng ngộ của mỗi một hành giả chuyên tâm!

 

“Người bình thơ bao giờ cũng là kẻ thù của nhà thơ”. Một bài thơ, một tác phẩm văn học đều dựa vào hoàn cảnh và tâm thái của tác giả mà có ra. Nếu chúng ta không biết được bối cảnh lịch sử, hoàn cảnh ra đời và tâm trạng của tác giả mà vội bình phẩm một cách tùy tiện thì đi quá xa với ý tác giả. Không phải kẻ thù là gì?

Học hỏi, nghiên cứu các tác phẩm Thiền sư Việt Nam, điều tối thiểu buộc chúng ta phải biết là quý ngài dụng tâm gì, ở đâu để sáng tác và muốn nói lên điều gì? Quý ngài phải khổ công tu tập, chạm đến được cốt tủy thiền một cách rốt ráo; ở trong cảnh núi rừng u tịch, hay ở vào một tâm vắng lặng tuyệt đối mà xán lạn của tâm thiền; nhắn nhủ, khai thị cho hàng hậu thế hữu duyên nhận ra tâm tánh nơi chính mỗi người như quý ngài đang sống.

Cho thấy, từ công phu tu tập, từ trí tuệ rốt ráo để nói ra những lời khai thị vàng ngọc, mong mỏi đưa con cháu trở về quê hương muôn thuở của chính mình. Nếu chỉ dừng trên ngôn thuyên, sách sử, trong một nội tâm tạo tác vọng động, ngồi ở nơi náo thị phồn hoa với một đời sống đắm chìm quá sâu trong ngũ dục để học hiểu, nghiên cứu, bình phẩm về quý ngài thì e là quá tội nghiệp cho mình!

 

Thiền sư Hương Hải một đời vì đạo pháp. Trải qua bao khó khăn, nhưng ngài đều quyết chí vượt qua. Bị vua chúa hiềm nghi hay được tôn trọng, ngài vẫn một mực chuyên tu và làm Phật sự, không hề bị chi phối, luôn luôn nghĩ đến tiền đồ Phật pháp.

Đọc thi kệ và những lời khai thị, chúng ta càng thấy rõ hơn phong cách của ngài. Khi thì chỉ thẳng, có chỗ thì mang tính triết lý khúc chiết, chặn đứng các đường không còn chỗ cho tình thức chen vào hiểu biết. Nhận thì ngay đó liền nhận, không thì thôi. Càng cố suy nghĩ để lý luận thì càng cách xa. Đặc biệt cuối đời ngài ra đi một cách tự tại.

Thấy vậy, chúng tôi không nghĩ quý ngài sẽ hoan hỷ khi trông thấy con cháu chỉ dừng lại ở những nghiên cứu, tìm hiểu qua ngôn ngữ, hình thức. Và có lẽ ngài cũng sẽ chưa thật sự yên lòng khi con cháu mới chỉ làm nên được tự viện hoành tráng, sách sử nghiên cứu đồ sộ.

Chúng tôi nghĩ quý ngài sẽ mỉm cười mãn nguyện hơn nếu bằng vào những gì đã làm được, hàng hậu tấn chúng ta biết dụng công tu tập đạt đến được cốt tủy thiền mà quý ngài muốn chỉ. Trên cơ sở trí tuệ giác ngộ rốt ráo, chúng ta uyển chuyển vận dụng vào bất kỳ thời đại hay cõi nước nào đều mang lại lợi lạc, vén mây mê lầm cho người người vĩnh viễn không còn khổ đau.

 

Đây là cũng chính là bản hoài mà Hòa thượng Thiền sư Thích Thanh Từ đã một đời tâm huyết muốn khôi phục lại Phật giáo Thiền tông đời Trần ở thời kỳ đương đại. Từ những ngày đầu mới xuất gia, ngài đã ôm trong mình hoài bão muốn tu theo thiền Việt Nam để làm sống lại Thiền tông Việt Nam.

Đó là hoài bão và ngài cũng tự đặt làm bổn phận trách nhiệm của mình. Với quyết tâm dũng mãnh, nhất định thực hiện cho bằng được tâm nguyện và trọng trách mà mình đã đặt ra. Và rồi duyên lành cũng đã hội tựu. Ngài đã tỏ ngộ, nhận ra cốt tủy thiền. Đọc sách thiền đến đâu, ngài sáng tỏ ý Tổ đến đó.

Trên trí tuệ tỏ ngộ làm căn bản, ngài viết và tìm dịch các tác phẩm thiền để đem ra ứng dụng, hướng dẫn cho tăng ni và phật tử cùng tu. Tùy vào căn cơ từng người mà có được kết quả sâu cạn khác nhau. Nhưng tất cả đồng chung một cảm xúc là“Không ngờ!. Phật pháp Thiền tông bắt đầu được xương minh từ đó.

Hàng đệ tử con cháu ngài đã đủ phước duyên được gội nhuần trong suối thiền và tiếp tục nối nắm mạng mạch Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam, phát huy khiến cho ngày càng xán lạn. Bản hoài một đời tâm huyết khôi phục Thiền tông Việt Nam của Hòa thượng Thiền sư Thích Thanh Từ cũng đã được mãn nguyện.

 

V. Kết luận

Càng tu tập được an lạc, càng thấm nghiệm những lời dạy thống thiết của quý ngài, chúng con càng cảm bội niệm ơn sâu xa lòng từ vĩ đại bao la của các bậc thiền tăng. Ba trăm năm trước, ba trăm năm sau, hay nhiều kiếp về sau nữa, mãi mãi vẫn thế! Bởi, người về “trong ấy”, vốn không đổi dời.

Hôm nay, kỷ niệm 300 năm ngày giỗ Thiền sư Hương Hải, chúng con dâng lên ngài chút tâm thành không lời tả được.

 

Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã

Thích Tâm Hạnh 

Post a comment